Thương hiệu không chỉ đơn thuần là sản phẩm / dịch vụ mà chúng ta cung cấp, nó còn là phương tiện đại diện cho ý chí, phương châm, triết lý sống của đội ngũ nhà sáng lập hay một tập thể con người cùng làm việc chung. Những câu chuyện thương hiệu (brand story) không chỉ là một công cụ tiếp thị hiệu quả và có giá trị lâu dài, nó còn là nguyên tắc chỉ đạo của thương hiệu, tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của tổ chức từ trong ra ngoài.
Câu chuyện thương hiệu có thể là một câu chuyện dài với đầy đủ hàm ý, hoặc đơn giản với những ý ẩn dụ, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào triết lý mà bạn muốn gửi gắm. Dưới đây là một số mẹo mà ECH Creative Agency đã tổng hợp sẽ phần nào giúp bạn có thêm ý tưởng để tạo nên những câu chuyện phù hợp với chiến lược và định hướng của thương hiệu trong tương lai.
Khởi nguồn bởi các ý tưởng để giải quyết vấn đề
Thông thường, các sản phẩm / dịch vụ mới được sinh ra nhằm mục đích nâng cao chất lượng và thay thế những sản phẩm / dịch vụ cũ đã “lỗi thời”. Nói cách khác, những sáng kiến mới của đội ngũ sáng lập giúp khắc phục những vấn đề còn yếu kém ở thời điểm hiện tại, nó cũng có thể là lời khẳng định sự khác biệt trên thị trường mà bạn mong muốn xây dựng tên tuổi.
Điều quan trọng ở đây là làm thế nào để tìm được sự đồng cảm giữa người tiêu dùng (khách hàng) với những sáng kiến mới, đặc biệt là những thương hiệu mới sáng lập. Giúp họ có thể hiểu và kết nối với thương hiệu về mặt lý trí và cảm xúc.
Khơi gợi sự bứt phá
Chắc hẳn không ai trong chúng ta mong muốn dậm chân tại chỗ, mà ngược lại, chúng ta luôn mong muốn phát triển và công nhận. Thương hiệu cũng cần có những câu chuyện thể hiện sự bứt phá, không ngại những khó khăn và đã / đang vượt qua những rào cản để xây dựng được chỗ đứng cho riêng họ.
Ngày nay, với những ngành có sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, những câu chuyện khơi gợi sự đấu tranh với những tên tuổi lão làng cũng là một chiến lược nhằm thu hút truyền thông hiệu quả. Có thể lấy ví dụ như Pepsi – CocaCola, Samsung – Apple.
Định nghĩa sự khác biệt
Sự khác biệt của một thương hiệu có thể đến từ chất lượng trong sản phẩm / dịch vụ, cách thương hiệu xây dựng tính cách, hình ảnh,.. Một thương hiệu tạo được riêng cho mình một cá tính độc đáo riêng cũng có thể đến từ những câu chuyện từng trải, cách họ tạo ra những sản phẩm / dịch vụ có giá trị cao đến người tiêu dùng.
Không những thế, sự khác biệt cũng có thể xuất hiện ngay trong câu slogan của thương hiệu. Lấy ví dụ như slogan kinh điển của 2 thương hiệu lớn, Apple với slogan Think Different, Nike với slogan Just Do It.
Ủng hộ các sáng kiến cộng đồng
Câu chuyện thương hiệu có thể được xem là một phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng, đó chính là nhân cách hóa thương hiệu. Các thương hiệu có mục đích rõ ràng sẽ dễ dàng hình thành các sợi dây kết nối có ý nghĩa hơn để tạo ra những khách hàng trung thành, họ là những người “hâm mộ” không chỉ chi trả tiền để sử dụng sản phẩm / dịch vụ mà còn gián tiếp ủng hộ các hành động mà thương hiệu đang hướng đến, ví dụ như hành động bảo vệ môi trường, phòng chống chiến tranh, dịch bệnh,…
Câu chuyện của nhà sáng lập
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những thương hiệu song hành với hình ảnh và câu chuyện của người sáng lập. Họ thường là những người truyền cảm hứng, đầy đam mê và hoài bão. Trong trường hợp này, người sáng lập còn đóng vai trò trong việc hình thành tính cách của một thương hiệu (brand’s personality).
Đại diện cho điều tích cực
Những câu chuyện hay thường đi kèm với những điều tích cực trong từng việc làm nhỏ, đó có thể là sự cần mẫn, tỉ mỉ của đội ngũ nhân viên góp phần mang đến những bữa ăn ngon, hoặc làm việc chăm chỉ để mang đến những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Những điều tích cực dù nhỏ hay lớn cũng phần nào tác động mạnh mẽ đến nhận thức của thương hiệu.
Ca ngợi sự thành công
Song hành với các yếu tố trên, bóng dáng của sự thành công là một phần không thể thiếu trong các câu chuyện thương hiệu, đó có thể là những con số đo lường đáng kinh ngạc về các phát minh mới, mức độ tăng trưởng về khách hàng, doanh thu, hoặc đơn giản là số việc làm mà thương hiệu đã tạo ra. Những thành tựu đó là một phần minh chứng cho sự đúng đắn mà thương hiệu đang định hướng.
Truyền cảm hứng đến thế hệ mới
Cuối cùng, điều không thể thiếu đó chính là ươm mầm cho những thế hệ mới, đó có thể là những đóng góp về mặt giáo dục, định hướng việc làm,… Truyền cảm hứng đến thế hệ mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội, thúc đẩy tính bền vững của một thương hiệu.