05 QUY CÁCH CƠ BẢN CẦN CÓ TRONG BRAND GUIDELINE — ECH Creative Agency

05 QUY CÁCH CƠ BẢN CẦN CÓ TRONG BRAND GUIDELINE

05 QUY CÁCH CƠ BẢN CẦN CÓ TRONG BRAND GUIDELINE

05 QUY CÁCH CƠ BẢN CẦN CÓ TRONG BRAND GUIDELINE 1880 1058 ECH Creative Agency

Nếu bạn đã sở hữu 01 bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh thì Brand Guideline (hay còn gọi là bộ quy chuẩn thương hiệu) sẽ cho phép bạn hệ thống được các thông tin liên quan đến thương hiệu như Logo, màu sắc, phông chữ,… Bằng việc sử dụng Brand Guideline, thương hiệu sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng, phát triển và củng cố hình ảnh của mình mà không bị vượt quá khuôn khổ cho phép ban đầu.

Dưới đây, ECH Creative Agency xin đưa ra gợi ý 05 hạng mục cơ bản cần có trong một bộ Brand Guideline để đảm bảo hiệu quả về mặt chuyên môn.

1. Quy cách sử dụng logo và hệ thống logo (Logo System)

Logo chính là “người đại diện” cho sự có mặt của thương hiệu ở bất kỳ đâu. Vậy nên để đảm bảo mọi sự xuất hiện của logo đều đạt hiệu quả nhận diện và gợi nhớ cao nhất, việc sử dụng logo cần phải đi kèm những nguyên tắc rõ ràng, chính xác được quy định trong Brand Guideline.

Cụ thể, chúng ta cần quy định rõ kích thước, màu sắc chuẩn và các biến thể của logo. Đặc biệt, cần chỉ ra những trường hợp không đạt chuẩn như thay đổi font chữ, màu sắc hay hình dáng của logo. Ngoài ra, các quy tắc thiết kế như cách phối màu logo trên các phông nền khác cũng cần được đề cập rõ ràng và chi tiết.

Các cách dùng logo sai được chỉ ra trong Brand Guideline của thương hiệu công nghệ Slack (Nguồn ảnh: Vareno).

2. Quy cách sử dụng bảng màu (Color Guide)

Màu sắc mà thương hiệu sử dụng sẽ ảnh hưởng đến cách khách hàng cảm nhận về thương hiệu: màu đỏ biểu trưng cho sự quyết liệt; màu xanh dương mang lại cảm giác đáng tin cậy; màu hồng thể hiện sự thân thiện,… Dù thương hiệu lựa chọn màu gì, điều tiên quyết là màu sắc đó phải được sử dụng đồng nhất, tránh pha trộn quá nhiều màu sẽ làm giảm hiệu quả nhận diện thương hiệu.

Do đó, trong Brand Guideline, các màu sắc sử dụng trong truyền thông thương hiệu cần được cung cấp chính xác mã RGB, CMYK và màu sắc Pantone cho các ấn phẩm in ra hoặc HTML đặc biệt cần thiết khi thiết kế web hoặc apps. Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra các giải pháp kết hợp màu sắc (nếu có), điều này cho phép tránh tình trạng sử dụng quá nhiều màu sắc gây rối và không đồng nhất.

Tổ chức khoa học Diversity Science mô tả bảng màu của thương hiệu (Nguồn ảnh: Business2Community).

3. Quy cách sử dụng font chữ (Font Guide)

Font chữ cũng góp phần quan trọng vào việc thể hiện phong cách và cảm xúc của thương hiệu. Để tối đa hóa hiệu quả mà font chữ mang lại trong việc giao tiếp với khách hàng, hãy chú ý quy định cụ thể về cách dùng font chữ trong Brand Guideline nhé.

Cách sử dụng typeface hoặc font chủ đạo cho phần tiêu đề, hay font thứ cấp dành cho các đoạn văn bản, cũng như kích thước chữ quy định, (tracking) khoảng cách giữa các ký tự, và giữa các dòng (leading) là những thông tin cần có trong phần này.

Quy cách sử dụng font thứ cấp được agency tư vấn doanh nghiệp Novaric trình bày trong Brand Guideline của mình (Nguồn ảnh: Novaric)

4. Quy cách sử dụng hình ảnh (Imagery)

Quy định về sử dụng hình ảnh trong Brand Guideline cần bao gồm các yếu tố sau: Cách lựa chọn tỉ lệ – màu sắc – bố cục cho hình ảnh chụp (photography), hình vẽ minh họa (illustration), hoặc các đoạn phim (videography); Bên cạnh đó, những hiệu ứng (effects) có thể được sử dụng cũng nên được quy định rõ ràng.

Hãy đảm bảo những quy định về sử dụng hình ảnh đều được trình bày cụ thể, chính xác và dễ hiểu để hạn chế tối đa sai sót trong quá trình truyền thông. Việc duy trì sự đồng nhất về mặt hình ảnh rất có ý nghĩa trong nhận diện thương hiệu.

Thương hiệu dịch vụ du lịch we are travel minh họa các kiểu hình ảnh nên sử dụng (Nguồn ảnh: JG CREATIVE)

5. Quy cách sử dụng giọng văn (Tone of Voice)

Độc giả, thính giả mục tiêu của thương hiệu là ai? Đặc điểm của họ là gì? Những loại bài viết, phong cách viết, cách sử dụng từ ngữ, giọng điệu như thế nào cho phù hợp với đối tượng xem? Thương hiệu cần đưa ra đáp án cho những câu hỏi này thông qua Brand Guideline của mình.

Càng quy định chi tiết về giọng văn, bộ phận truyền thông của hãng càng nắm rõ và xác định đúng phong cách truyền đạt phù hợp, từ đó quá trình giao tiếp với khách hàng càng dễ dàng và đảm bảo sự thống nhất.

Quy định về tông giọng thương hiệu trong Brand Guideline của thương hiệu dịch vụ giao thông Uber (Nguồn ảnh: GatherContent)

Kết luận

Có thể nói, Brand Guideline đóng vai trò rất lớn trong hệ thống nhận diện thương hiệu. Xây dựng được một bộ Brand Guideline hoàn chỉnh sẽ mang lại rất nhiều ích lợi: Giúp các bên hiểu rõ về câu chuyện thương hiệu; Đảm bảo tính nhất quán trong nhận diện và Tiết kiệm rất nhiều thời gian trong khâu lập kế hoạch, thực hiện hay kiểm tra rà soát. Và để đảm bảo được hiệu quả của bộ Brand Guideline, đừng quên trình bày thật kỹ lưỡng, rõ ràng, dễ hiểu về 05 quy cách đã được đề cập trên đây.


Tham khảo dịch vụ thiết kế nhận diện thương hiệu của ECH Creative Agency tại đây.