Cùng với nền kinh tế tuyến tính đã và đang hiện diện, vòng tròn ô nhiễm từ các bao bì “truyền thống” cứ tiếp tục tác động một cách tiêu cực nhưng dai dẳng đến môi trường không khí, nước, đất, và hiển nhiên cả hoạt động sống của nhân loại. Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL) chỉ ra rằng bao bì chiếm 40% nhu cầu sử dụng nhựa trên toàn cầu. Điều này đã khiến các doanh nghiệp và toàn xã hội buộc phải thức tỉnh, thậm chí bắt đầu chạy đua cho những giá trị “bền vững” đã sớm bị bỏ quên sau bức tường doanh thu – lợi nhuận. Và cuộc đua mới như một xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu của các doanh nghiệp chính là cuộc đua mang tên “Bao bì xanh” – eco-friendly packaging.
“Xanh” hóa bao bì như thế nào?
“Bao bì xanh” sử dụng những chất liệu dễ tái chế, an toàn cho con người và môi trường. Khi sản xuất những loại bao bì này, người ta luôn quan tâm đến việc giảm thiểu tối đa tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng phải phù hợp với các điều kiện và chính sách phát triển của doanh nghiệp. Đó có thể là sự chuyển dịch sang sử dụng các dạng bao bì và túi sinh thái, túi tote bằng vải hữu cơ, các vật liệu đóng gói thay thế có khả năng phân hủy tự nhiên như giấy, các-tông, bã mía, tinh bột ngô hay các thực vật khác để bảo quản mặt hàng dễ vỡ. Hoặc có thể là sự chuyển dịch sang sử dụng bao bì có khả năng tái chế như thủy tinh, kim loại, và cả những sản phẩm chứa bằng nhựa dùng được nhiều lần. Đặc biệt, ngay cả một tấm nhãn hiệu nhỏ đính trên sản phẩm cũng có thể được cân nhắc để vừa bắt mắt với người tiêu dùng, vừa “lành tính” với môi trường.
Khi mối quan tâm về tác động của nhựa đối với môi trường ngày càng tăng, các nhà sản xuất và bán lẻ cũng bắt đầu “vào cuộc” giải quyết những “dấu chân” họ để lại…
Bộ kit đánh răng có thể tái chế của Colgate
Sau 5 năm nghiên cứu, đầu năm 2020, Colgate cho ra mắt bộ kit đánh răng mới có khả năng tái chế. Thay vì sử dụng hỗn hợp các vật liệu nhựa và nhôm không thể tái chế, công ty sử dụng polyethylene mật độ cao (thường dùng trong sản xuất hộp sữa). Tuýp đựng kem mới này vừa thân thiện với môi trường vừa không làm biến đổi hương vị, thành phần kem bên trong. Ngoài ra, bàn chải đánh trăng mới trong bộ kit làm từ 100% tre tự nhiên, có thể phân hủy sinh học và không có bao bì nhựa. Colgate-Palmolive dự tính sẽ chuyển sang bao bì là vật liệu tái chế cho tất cả sản phẩm vào năm 2025. Công ty dự kiến cũng sẽ chia sẻ công nghệ này với các đối thủ. Sản phẩm nhằm bước đầu góp phần cắt giảm đi gần 20 tỷ tuýp kem đánh răng bỏ đi mỗi năm gây nên cuộc khủng hoảng ô nhiễm vật liệu nhựa.
Vỏ sô-cô-la cũng có thể tái chế!
Tháng 7/2019, Nestle đã phát triển một loại giấy gói mới có thể tái chế bọc ngoài thanh sô-cô-la “YES!” của nhãn hàng. Đây được coi là một bước phát triển đột phá trong ngành sản xuất bánh kẹo và là nỗ lực của Nestle nhằm tạo ra toàn bộ bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Giấy gói được điều chỉnh để có đủ độ bền và hoạt động nhịp nhàng các dây chuyền sản xuất tốc độ cao, song song với việc đảm bảo bảo quản tốt sản phẩm. Bộ phận Kinh doanh Chiến lược, Tiếp thị và Bán hàng của nhãn hàng cũng cho biết: “Người tiêu dùng đang tìm kiếm các lựa chọn tự nhiên và bền vững hơn với một món ăn nhẹ, cả về thành phần và bao bì. Các thanh “YES!” được làm bằng những nguyên liệu lành mạnh, tôn vinh và thể hiện mối quan tâm đến sự đa dạng của Thiên nhiên. Chúng tôi hiện đang cho ra mắt các sản phẩm đi cùng với lớp giấy gói cẩn thận, giúp bao bì dễ dàng tái chế và tránh rác thải nhựa.”
Một thương hiệu khác, tháng 12/2020, công ty sô-cô-la Alter Eco đã cam kết sử dụng bao bì có thể tái chế hoặc có thể phân hủy. Công ty đã dành ba năm để phát triển bao bì mới nhằm đảm bảo chất lượng như bao bì truyền thống nhưng vẫn thân thiện với môi trường. Trước đây, thanh sô-cô-la được bọc trong giấy nhôm có thể tái chế theo chứng nhận FSC. Và 2020, công ty chuyển sang giấy gói truffle. Giấy gói truffle có nguồn gốc từ thực vật, cụ thể là từ bạch đàn và bạch dương. Đây là loại giấy gói kẹo có thể phân hủy, không biến đổi gen, không độc hại đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, Alter Eco còn sản xuất túi đựng đứng có thể phân hủy đầu tiên trên thế giới được làm từ vật liệu tái tạo, có nguồn gốc thực vật và không bị biến đổi gen. Alter Eco cam kết luôn rõ ràng về các lựa chọn bao bì của mình và luôn đi đầu trong các giải pháp bền vững nhất.
Chuỗi cung ứng xanh của O’right Green
O’right Green được biết đến là công ty “xanh nhất” ở Đài Loan và luôn xem việc bảo vệ môi trường như một sứ mệnh quan trọng. Công ty định hướng mọi hoạt động dựa trên triết lý “sống xanh” từ việc đầu tư vào sản phẩm “xanh” đến không gian làm việc “xanh” và giành nhiều giải thưởng quốc tế từ những nỗ lực này. Thương hiệu tâm huyết dùng nguồn nguyên vật liệu sạch, đạt chuẩn chất lượng trong các chứng nhận ISO hay GMP, mang đến các sản phẩm không chứa 8 loại hóa chất gây hại cho người dùng.
L’oreal for the Future
Mục tiêu tham vọng của L’Oréal là sử dụng 100% nhựa tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học cho toàn bộ bao bì sản phẩm của tất cả thương hiệu vào năm 2030, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững mới của tập đoàn L’Oréal mang tên “L’Oréal For the Future”.
Ngay từ khi ra mắt vào năm 2018, thương hiệu chăm sóc tóc Seed Phytonutrients của L’Oréal, đã là một điểm sáng hiếm có trong ngành công nghiệp làm đẹp. Toàn bộ các sản phẩm chăm sóc tóc của hãng đều có bao bì làm từ loại giấy không chỉ dễ dàng tái chế mà còn có thể phân hủy được. Seed Phytonutrients đã “giải thoát” được hơn 10,4 tấn nhựa khỏi đại dương, góp phần trả lại màu xanh cho biển cả.
Năm 2020 vừa qua, nhãn hàng dược mỹ phẩm La Roche-Posay đã ra mắt kem chống nắng Anthelios Body Milk Hydrating Lotion có bao bì dạng tuýp, bằng giấy bìa cứng đầu tiên trên thế giới. Sự kiện được xem là sự tiến bộ vượt bậc của ngành bao bì mỹ phẩm, làm giảm đến 45% lượng nhựa sử dụng trung bình trong các tuýp bao bì nhựa thông thường. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa thương hiệu này và công ty bao bì Albéa. Từ năm 2012, La Roche-Posay đã tập trung vào việc giảm trọng lượng của bao bì để giảm lượng nhựa sử dụng. Đến năm 2020, tất cả sản phẩm dạng chai lớn đều có trọng lượng nhẹ hơn 10%, La Roche-Posay cũng đạt chỉ tiêu sử dụng 25% nhựa tái chế cho bao bì, cao gấp 10 lần so với năm 2018. Tham vọng của La Roche-Posay là sử dụng đến 70% vật liệu nhựa tái chế cho bao bì đến năm 2025, có nghĩa là thương hiệu dược mỹ phẩm của tập đoàn L’Oréal sẽ để dành lại cho trái đất 10,000 tấn nhựa nguyên thủy, góp sức bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường thế giới.
Kiehl’s sẽ là thương hiệu tiếp theo của tập đoàn L’Oréal sử dụng công nghệ bao bì giấy thân thiện với môi trường này, dự kiến sẽ ra mắt các sản phẩm có bao bì thân thiện vào năm nay.
Tạm kết
Trong tình hình Covid-19, thương mại điện tử ngày càng được mở rộng kéo theo việc gia tăng nhu cầu đóng gói sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng đặt ra tiêu chuẩn cao cho những trải nghiệm với thương hiệu của mình. Theo một khảo sát toàn cầu năm 2020 của Viện Nghiên cứu Capgemini, 79% đang thay đổi các ưu tiên mua sắm của họ dựa trên trách nhiệm xã hội hoặc tác động đối với môi trường, 52% tiết lộ họ cảm thấy có sự kết nối về mặt cảm xúc với các sản phẩm hoặc tổ chức mà họ cho là bền vững, 64% chia sẻ các sản phẩm bền vững khiến họ thấy hài lòng về các món đồ mình mua (tỷ lệ này lên tới 72% ở nhóm tuổi 25-35).
Như vậy, đối với thương hiệu, bao bì không chỉ để bảo vệ chất lượng sản phẩm mà nó còn phải có câu chuyện riêng, truyền tải được thông điệp, tương tác với khách hàng và thể hiện giá trị cộng đồng của doanh nghiệp. Bằng việc sử dụng “bao bì xanh”, thương hiệu khiến khách hàng cảm nhận được sự kết nối về mặt cảm xúc với các sản phẩm, mang lại cảm giác hài lòng hơn với từng lựa chọn chi trả. Và trên tất cả, “bao bì xanh” không chỉ dùng để quảng bá doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Biên tập: Xuân Diễm, Kim Hiền