Nếu sản phẩm thường có vòng đời ngắn và dễ bị thay thế, thì thương hiệu lại là “cần kiếm cơm” có tính dài hạn và bền vững của doanh nghiệp. Do đó, tài sản thương hiệu cũng là tài sản quý giá nhất mà doanh nghiệp sở hữu. Mặc dù tài sản thương hiệu không tồn tại ở dạng hữu hình như các loại tài sản khác, đây vẫn là yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự thành công về mặt tài chính của doanh nghiệp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng được một tài sản thương hiệu tốt và vững mạnh.
Định nghĩa Tài sản thương hiệu
Tài sản thương hiệu (Brand Equity) là một thuật ngữ dùng để chỉ giá trị của một thương hiệu. Giá trị này được đo lường bởi nhận thức và trải nghiệm của khách hàng liên quan đến thương hiệu đó. Chẳng hạn như, nếu thương hiệu có độ nhận diện cao, nghĩa là giá trị của thương hiệu là dương. Mặt khác, nếu khách hàng thất vọng khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ của thương hiệu, lúc này thương hiệu sẽ có giá trị bị giảm sút.
Một thương hiệu có chỉ số tài sản dương sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trước hết, doanh nghiệp có thể tăng giá bán sản phẩm hoặc dịch vụ mà không vấp phải nhiều chỉ trích từ khách hàng. Thứ hai, với việc sở hữu giá trị thương hiệu cao, doanh nghiệp có thể cho ra mắt dòng sản phẩm hoặc dịch vụ mới dưới cùng trướng thương hiệu và từ đó kế thừa những nhận định tích cực của khách hàng. Ngoài ra, tài sản thương hiệu tốt còn thúc đẩy giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp.
Vậy làm thế nào để xây dựng được một tài sản thương hiệu tốt và thu được những lợi ích kể trên? Hãy cùng ECH điểm qua 03 chiến lược dưới đây nhé!
03 chiến lược xây dựng tài sản thương hiệu vững vàng
1. Tập trung vào chất lượng sản phẩm / dịch vụ
Có thể nói, chất lượng của sản phẩm / dịch vụ chính là yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng tài sản thương hiệu vững mạnh. Bởi lẽ sau cùng, cái khách hàng muốn mua chính là một giải pháp cốt lõi để đáp ứng nhu cầu của họ. Nếu thiếu đi sự đảm bảo về mặt chất lượng, tất cả những yếu tố khác sẽ trở nên vô ích. Khách hàng có vô vàn sự lựa chọn, chắc chắn họ sẽ không chọn những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng kém.
Mặt khác, nếu khách hàng nhận ra thương hiệu không làm đúng với những gì đã truyền thông thì họ sẽ cảm thấy thất vọng, do đó sẽ rất khó cho thương hiệu để xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành.
2. Trung thành với giá trị cốt lõi
Xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành chính là một chiến lược thông minh để bảo vệ và phát triển tài sản thương hiệu. Apple chính là một thương hiệu tiêu biểu đã sở hữu được nhóm người hâm mộ gắn bó bền chặt với họ.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần lấy giá trị cốt lõi của thương hiệu làm trọng tâm và xây dựng được các chiến lược xoay quanh việc truyền tải giá trị đó. Việc này sẽ giúp giá trị cốt lõi của thương hiệu trở nên nổi bật và kiên định trong tâm trí khách hàng. Do đó, họ sẽ yêu mến và tin tưởng thương hiệu, cũng như có lý do để chọn lựa sản phẩm của thương hiệu thay vì của đối thủ.
3. Giữ vững sự nhất quán
Việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu cũng như truyền tải các thông điệp nhất quán là rất quan trọng. Bởi vì điều đó sẽ khiến khách hàng cảm nhận được rằng thương hiệu rất tận tâm trong việc cung cấp chính xác những gì khách hàng cần.
Do đó, các thông điệp truyền thông cần phải thống nhất xuyên suốt trong các chiến dịch marketing đa kênh. Thông điệp và lời nói cũng cần tạo cho khách hàng cảm giác thân thuộc và đáng mến.
Kết luận
Tài sản thương hiệu không chỉ là một giải pháp tình thế, mà còn mang lại giá trị về lâu dài giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của thương hiệu. Vì vậy doanh nghiệp luôn cần xây dựng tài sản thương hiệu thật bền vững. Để làm được điều đó, doanh nghiệp có thể tham khảo 03 chiến lược đã đề cập trên đây để thiết kế lộ trình bảo vệ và phát triển tài sản thương hiệu thật hiệu quả.