06 nguyên tắc phối màu cơ bản trong thiết kế — ECH Creative Agency

06 nguyên tắc phối màu cơ bản trong thiết kế

06 nguyên tắc phối màu cơ bản trong thiết kế

06 nguyên tắc phối màu cơ bản trong thiết kế 1880 1250 ECH Creative Agency

Chúng ta đều không thể phủ nhận tầm quan trọng của màu sắc trong thiết kế. Tuy nhiên, nếu không biết được cách thức sử dụng màu sắc chính xác thì thiết kế có thể trở nên rối rắm và khó nhìn.

Thực tế, trong thiết kế có 06 nguyên tắc phối màu căn bản. Nếu hiểu rõ chúng bạn sẽ có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn trong việc chọn màu, từ đó gián tiếp làm nên sự thành công của thiết kế. Vì vậy hãy cùng ECH tìm hiểu về 06 nguyên tắc này nhé!

1. Đơn sắc (Monochromatic)

Phối màu đơn sắc có thể xem là cơ bản nhất trong số các quy tắc phối màu. Phối màu này được thực hiện khi một màu được dùng làm màu chính trong một thiết kế và được điều chỉnh thành nhiều sắc độ, tức là từ màu nhạt tới màu đậm. Kiểu phối màu này sẽ mang lại cảm giác dễ chịu, dễ nhìn cho người xem, tuy nhiên đôi khi vì quá đơn giản nên chúng có thể khó gây ấn tượng. Vì vậy phối màu đơn sắc sẽ phát huy hiệu quả tối đa nhất khi kết hợp với các màu sắc khác, hoặc dùng trong trường hợp thiết kế có phong cách tối giản.

Nguyên tắc phối màu đơn sắc (Nguồn ảnh: Colors Explained)

2. Tương phản (Complementary)

Phối màu tương phản phối những cặp màu có vị trí đối lập nhau trên bánh xe màu. Các nhà thiết kế thường sẽ chọn ra một màu chủ đạo rồi sau đó đi tìm màu đối lập với nó. Sự đối lập về màu sắc dễ tạo ra ấn tượng mạnh mẽ, vì vậy phối màu này thường được dùng cho các chi tiết cần được nhấn mạnh trong thiết kế. 

Nguyên tắc phối màu tương phản (Nguồn ảnh: Colors Explained)

3. Chia bổ sung (Split Complementary)

Phối màu chia bổ sung có thể xem như một biến thể của phối màu tương phản. Nhà thiết kế sẽ bắt đầu với việc chọn ra một màu cơ bản, sau đó chọn hai màu phụ tạo nên màu đối lập trực tiếp với màu cơ bản đó. Chính nhờ sự linh hoạt trong quá trình chọn màu mà phối màu này thường giúp các nhà thiết kế khám phá và tìm được các cặp màu độc đáo cho thiết kế của mình. Vì vậy nếu bạn muốn thiết kế của mình thu hút và gây ấn tượng cho người xem ngay từ giây phút đầu tiên thì phối màu này sẽ là một lựa chọn hoàn hảo cho bạn.

Nguyên tắc phối màu chia bổ sung (Nguồn ảnh: Colors Explained)

4. Tương đồng (Analogous)

Phối màu tương đồng sử dụng các màu nằm ngay cạnh nhau trên bánh xe màu. Hiệu ứng khi kết hợp những màu này sẽ mang lại cảm giác đa dạng và ấn tượng, đồng thời cũng thể hiện sự đồng nhất, hài hòa và dễ nhìn của thiết kế.

Nguyên tắc phối màu tương đồng (Nguồn ảnh: Colors Explained)

5. Tam giác đều (Triadic)

Phối màu tam giác đều có lẽ là an toàn nhất trong các kiểu phối màu. Nhà thiết kế cần chọn ra một màu chủ đạo, sau đó dùng tam giác đều để tìm ra hai màu phụ trợ còn lại. Tùy từng màu sắc khác nhau sẽ có những kết hợp bộ ba với mức cân bằng tốt nhất. Tuy nhiên cũng chính sự cân bằng đó là lý do các nhà thiết kế ít áp dụng chúng vào việc tạo điểm nhấn trong thiết kế.

Nguyên tắc phối màu tam giác đều (Nguồn ảnh: Colors Explained)

6. Hình chữ nhật (Tetradic)

Nếu xét về mức độ phức tạp thì phối màu hình chữ nhật là phức tạp nhất, bởi chúng đòi hỏi nỗ lực lựa chọn ra không chỉ ba mà đến bốn màu phù hợp. Thế nhưng khi đã chọn được rồi thì bạn sẽ có một bộ màu rất mới mẻ và hiện đại. Thường thì trong bốn màu này sẽ được chia thành hai cặp màu, gồm có một cặp màu lạnh và một cặp màu nóng.

Nguyên tắc phối màu hình chữ nhật (Nguồn ảnh: Colors Explained)

Kết luận

Trên đây là 06 nguyên tắc phối màu căn bản trong thiết kế mà bạn cần nắm. Các nguyên tắc phối màu này sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc lựa chọn màu sắc cũng như phân chia bố cục chúng sao cho hài hòa nhất. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có được những kiến thức cần thiết để ứng dụng vào công việc của mình.