9 case study về branding điển hình với thiết kế tối giản — ECH Creative Agency

9 case study về branding điển hình với thiết kế tối giản

9 case study về branding điển hình với thiết kế tối giản

9 case study về branding điển hình với thiết kế tối giản 1500 850 ECH Creative Agency

Thiết kế và xây dựng thương hiệu (branding & design) ra đời và gắn liền với những triết lý sống xoay quanh chúng ta, điển hình nhất trong số đó chính là triết lý sống tối giản (minimalism) mà chúng ta nhắc đến trong bài viết này. Nhắc đến thiết kế tối giản, giá trị quan trọng hàng đầu của phong cách này là lược bỏ những chi tiết thừa thãi và tập trung đào sâu vào các yếu tố thiết yếu, những chức năng quan trọng, tạo ra nhiều khoảng không gian âm (negative space) thông qua cách sử dụng, lựa chọn màu sắc, chất liệu, kiểu chữ và tính thẩm mỹ sạch sẽ, hiện đại và tối thiểu.

Đằng sau những thiết kế tối giản cũng mang nhiều nội hàm về ý nghĩa và sứ mệnh thương hiệu xoay quanh cụm từ “less is more” (một câu nói nổi tiếng của kiến trúc sư Mies Van Der Rohe) mà ngày nay chúng ta thường nhắc đến. Cách thức triển khai của nó phụ thuộc vào ngành, sản phẩm/dịch vụ, hay phong cách của chính những founder. Đặc điểm chính của thiết kế tối giản có thể kể đến như:

  1. Càng đơn giản càng đẹp
  2. Tập trung vào chức năng quan trọng
  3. Thiết kế sạch sẽ, đường nét đơn giản
  4. Bảng màu đơn sắc, đôi khi màu sắc được sử dụng làm điểm nhấn
  5. Hạn chế sử dụng nhiều vật liệu, các vật liệu được lựa chọn cẩn thận
  6. Mọi thứ đều có một vị trí và một mục đích
  7. Vận dụng yếu không gian và tự nhiên
  8. Nhấn mạnh về yếu tố con người / yếu tố thủ công

Để ví dụ cho những đặc điểm trên, dưới đây là 9 case study điển hình về cách vận dụng minimalism vào cách xây dựng thương hiệu của các thương hiệu thành công trên thị trường. Chúng ta hãy cùng tham khảo và chiêm nghiệm.

1- MUJI (Manufacturing + Retail)

Ra đời vào đầu những năm 80, MUJI là một thương hiệu điển hình cho phong cách tối giản và thực dụng. Các sản phẩm của MUJI tập trung vào khái niệm đơn giản và tập trung vào thiết kế và công đoạn sản xuất, sự đơn giản còn được thể hiện qua bao bì sản phẩm khi họ lược bỏ toàn bộ thông tin về thương hiệu trên sản phẩm và bao bì, nhãn mác.

2- Apple (The Tech Giant)

Nói đến triết lý tối giản không thể không kể đến Steve Jobs, nhà sáng lập của công ty Apple mà chúng ta được biết ngày nay. Ông từng cho rằng, thiết kế tối giản là kết quả cuối cùng của một quá trình phức tạp, và để tạo ra những thứ đơn giản thực sự khó hơn phức tạp rất nhiều. Các sản phẩm của Apple như iPhone, Mac,… đều tập trung vào tính thẩm mỹ, sự đơn giản và chức năng cốt lõi, đây chính là các yếu tố dẫn lối cho sự thành công của Apple cho đến ngày nay.

3- Mastercard (Finance)

Khi bạn nhìn thấy biểu tượng hai vòng tròn màu cam và đỏ lồng vào nhau, chắc hẳn bạn sẽ liên tưởng ngay đến thương hiệu Mastercard với sự lôi cuốn của nét tối giản và hiện đại. Kể từ ngày 1 tháng 11 năm 2018, Mastercard đã công bố sự thay đổi trong hướng phát triển thương hiệu của mình với sự công nhận mang tính toàn cầu, nhãn hiệu Mastercard có 2 màu, không có từ “mastercard” (được gọi là Biểu tượng Mastercard), khơi gợi sự an toàn, kết nối, thông minh, đơn giản. Đây cũng là những giá trị cốt lõi mà thương hiệu mong muốn hướng đến trong tương lai.

4- Acne (Fashion)

Một thương hiệu thời trang nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu được thành lập hơn 20 năm trước, triết lý và bản sắc thương hiệu được thể hiện qua phong cách tối giản, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với đặc tính của các sản phẩm may mặc hiện nay là sự đơn giản, tiện dụng nhưng đầy phong cách. Màu đen – trắng – hồng là những màu đặc trưng, pha lẫn sự tinh tế trong kiểu chữ tối giản, tất cả thể hiện rõ phong cách thiết kế mà Acne hướng đến.

5- A.N. Other (Perfume)

Nói đến nước hoa, bạn sẽ nghĩ ngay đến những thương hiệu nước hoa có bao bì và thiết kế hình ảnh cầu kỳ, sang trọng. Nhưng với A.N Other thì khác, chính những thành phần nước hoa chính là yếu tố quan trọng nhất trong cách họ xây dựng thương hiệu của họ. Triết lý tối giản cũng được thể hiện rất rõ qua phần bao bì, nhìn bề ngoài không quá phô trương nhưng toát ra được sự đơn giản, tinh tế, sang trọng, dành cho những khách hàng có lối sống hiện đại.

6- Happy Bones (Cafe)

Với hoạ sĩ kiêm nhà thiết kế Lotta Niemien, nhà sáng lập của thương hiệu Happy Bones nổi tiếng ở New York, phong cách thẩm mỹ sạch sẽ nhưng tối giản chính là điểm đặc biệt tạo nên thương hiệu cà phê Happy Bones. Nếu bạn có dịp ghé New York, đừng quên ghé ngang một đô thị thu nhỏ mang trong mình chủ nghĩa tối giản này. Sứ mệnh của Happy Bones là tạo ra một nơi dành cho những người yêu thích cà phê và nghệ thuật, họ được phục vụ những món cà phê ngon kết hợp với những tác phẩm nghệ thuật đương đại.

7- % Arabica (Cafe)

Không còn quá xa lạ với thương hiệu cà phê lừng danh thế giới như % Arabica, ban đầu, đây chỉ là một quán cà phê nhỏ ở Hồng Kông, đến năm 2014, thương hiệu này chính thức chiến lược mở rộng toàn cầu khi mở cửa hàng đầu tiên tại Kyoto, Nhật Bản. Từ logo %, màu sắc thương hiệu cho đến phong cách thiết kế bao bì, thiết kế không gian của thương hiệu này đã đâu đó thể hiện rõ chủ nghĩa tối giản mang âm hưởng của đất nước mặt trời mọc. Cũng giống như những thương hiệu kể trên, sứ mệnh của % Arabica là kiểm soát tốt chất lượng của sản phẩm, đây là yếu tố then chốt giúp % Arabica phát triển và có hơn 130 cửa hàng sau một thập kỷ phát triển.

8- Herbivore Botanicals (Skincare)

Herbivore Botanicals, một thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc da được nhiều người yêu thích bởi sự khác biệt trong sản phẩm mà họ mang đến. Triết lý trong từng sản phẩm của Herbivore Botanicals mang đậm phong cách thiết kế tối giản, với kiểu chữ và hình dạng hình học được cách điệu kết hợp với tông màu hồng – xanh nhạt tạo cảm giác tươi mới, kết hợp với phong cách bao bì đơn giản. Trong triết lý thương hiệu, đối tượng khách hàng mà họ mong muốn xây dựng là những người am hiểu, có nhận thức cao về yếu tố thẩm mỹ và tính hiệu quả trong từng thành phần, biến việc chăm sóc da trở nên không còn quá cầu kỳ và phức tạp.

9- Nothing (Tech)

Như với tên gọi thương hiệu, Nothing không chỉ là tên mà nó giống như một tuyên ngôn về cách làm thương hiệu của nhà sáng lập Carl Pei. Logo của thương hiệu được thiết kế để nhấn mạnh tầm nhìn tối giản của Nothing, khiến mọi người phấn khích về một điều gì đó trừu tượng và đơn giản. Các sản phẩm của Nothing cũng đặc biệt nhấn mạnh vào sự khác biệt, đơn giản, tập trung vào chức năng ưu việt và giá thành tốt cho người dùng, đây cũng là dấu ấn quan trọng khi Nothing chính thức bước chân vào thị trường smart-mobile đang bão hoà hiện nay.