Đã bao lâu rồi bạn chưa nhìn lại và đánh giá hiệu quả của bộ nhận diện thương hiệu? Trải qua một thời gian, liệu bộ nhận diện đó, ở tất cả phương diện và nền tảng, có còn hòa hợp và thống nhất với nhau hay không? Định hướng phát triển, thông điệp chứa đựng có còn được thể hiện chuẩn xác qua hệ thống nhận diện? Nếu không, nghĩa là đã đến lúc bạn cần thực hiện đánh bóng lại thương hiệu của mình. Nhưng, đánh bóng thương hiệu là làm thế nào? Gần đây, tập đoàn công nghệ toàn cầu Xiaomi cũng đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.
Với sự thay đổi hình ảnh logo, Xiaomi lần nữa khẳng định vị thế của hãng trong thị trường cao cấp, đồng thời nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu của người dùng.
Hãy cùng phân tích cách thức mà Xiaomi đã “đánh bóng” cho thương hiệu của họ.
Làm thế nào để đánh bóng thương hiệu của bạn?
Làm thương hiệu chính là tạo cảm xúc cho khách hàng. Mọi biểu hiện của thương hiệu đều phải hòa hợp và thống nhất để tạo nên luồng cảm xúc trong lòng khách hàng trùng khớp với mong muốn của doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong các chi tiết, hình ảnh thương hiệu sẽ trở nên lộn xộn, dễ gây nhầm lẫn và rõ ràng, sẽ gây phản ứng ngược lại từ phía khách hàng. Do đó, việc thường xuyên chăm sóc và đánh bóng lại thương hiệu là vô cùng cần thiết. Dưới đây chính là những mấu chốt đảm bảo hiệu quả cho quá trình đánh bóng thương hiệu:
Đảm bảo “lời hứa thương hiệu” của bạn phù hợp
Có thể nói, thương hiệu chính là lời hứa của bạn đối với khách hàng, mà qua đó khách hàng có thể mong đợi vào những lợi ích khác biệt về sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn có thể cung cấp so với đối thủ cạnh tranh. Lời hứa hiện tại của bạn đã đủ thu hút khách hàng hay chưa? Bạn có thực hiện được lời hứa đó không? Những gì mà khách hàng mong đợi và cảm nhận được chính là cơ sở để định vị thương hiệu. Vì vậy hãy đảm bảo rằng, bạn sẽ thực hiện được lời hứa của mình với khách hàng!
Đánh giá lại hình ảnh của bạn
Chất lượng hình ảnh của bạn có gây được ấn tượng và khơi gợi cảm xúc cho khách hàng? Trong suy nghĩ của đa phần khách hàng, hình ảnh bao bì bên ngoài luôn tương thích với chất lượng sản phẩm bên trong. Chính vì vậy, sẽ rất khó để bán một sản phẩm chất lượng cao nhưng thiết kế bao bì rất lỗi thời. Nếu bạn đang mắc phải sai lầm này, hãy thay đổi! Tuy nhiên việc thay đổi thiết kế cũng cần đảm bảo dựa trên các chất liệu vốn làm nên đặc trưng thương hiệu. Hãy khiến cho hình ảnh của bạn trở nên mới mẻ, ấn tượng nhưng vẫn mang lại cảm giác quen thuộc cho khách hàng!
Kiên định với đặc trưng thương hiệu
Như đã đề cập, kể cả khi thương hiệu của bạn muốn tạo ra sự đổi mới, bạn vẫn cần đảm bảo rằng những sáng tạo này vẫn nằm trong khuôn khổ với hệ thống nhận diện thương hiệu sẵn có của bạn. Những yếu tố không nên hoặc hạn chế thay đổi: logo, màu sắc chủ đạo, kiểu chữ, chi tiết mỹ thuật.
Luôn cập nhật nội dung
Hãy kịp thời xóa bỏ tất cả thông tin đã bị thay đổi hoặc hết hiệu lực. Từ giá sản phẩm, thông tin đặt hàng, danh mục hàng hóa,… đều cần đảm bảo có giá trị hiện hành.
Xem xét lại toàn bộ chiến lược
Thực hiện nhìn lại và đánh giá từ tổng quát đến chi tiết chiến lược thương hiệu để từ đó có các nhận định đúng đắn về điểm mạnh, điểm yếu, cũng như cơ hội và thách thức trong suốt quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu. Từ đây, bạn cũng có thể phát hiện ra những yếu tố mấu chốt làm nên sức mạnh cho thương hiệu của mình, để từ đó tập trung phát triển chúng và khiến thương hiệu trở nên lớn mạnh hơn.
Bài học từ Xiaomi
Một ví dụ điển hình cho hiệu quả của việc đánh bóng thương hiệu chính là việc Xiaomi thay đổi bộ nhận diện và trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên khắp các diễn đàn mạng trong suốt thời gian vừa qua. Đáng chú ý, logo mới của Xiaomi thật ra khá giống với logo cũ. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là đường viền bên ngoài logo giờ đã được uốn cong mềm mại hơn. Trong khi đó, màu sắc cũng như mặt chữ gần như được giữ nguyên.
Để tạo nên logo mới, nhà thiết kế người Nhật Kenya Hara – giáo sư của Đại học Mỹ thuật Musashino kiêm Chủ tịch Trung tâm thiết kế Nippon (NDC) đã sử dụng công thức toán học “siêu hình tròn” cũng như điều chỉnh các biến để tạo ra sự cân bằng động tối ưu về mặt hình ảnh cũng như đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa hình vuông và hình tròn. Theo lời CEO Lei Jun, “So với góc vuông, hình tròn là một kiểu dáng thanh thoát hơn, tượng trưng cho hình ảnh hoàn hảo về sự linh hoạt và ý chí tiến lên của công ty Xiaomi. Logo mới không đơn giản được thiết kế lại hình thù mà nó còn thể hiện tinh thần nội bộ của Xiaomi. Thiết kế này phản ánh ý niệm về sự sống – tức alive”.
Về cái tên “Alive”, ông cho biết cụm từ này có khả năng truyền tải phương thức hoạt động của Xiaomi, từ đó mang đến bộ nhận diện mới với hàm ý: Con người đang sống (alive) hòa hợp với công nghệ – thứ do chính con người tạo ra. Điều đó khiến cho công nghệ trở nên có hồn hơn và trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống con người để đáp ứng nhu cầu của họ. Nhà thiết kế Kenya còn nhấn mạnh rằng ý tưởng này vô cùng phù hợp với Xiaomi – một thương hiệu đã mang đến nhiều tiện nghi cho nhân loại nhờ các sáng kiến và phát minh công nghệ của hãng.
Qua đây, chúng ta có thể hiểu được tại sao Xiaomi đã đánh bóng thương hiệu thành công. Sự thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của họ – không chỉ vừa đảm bảo sự mới mẻ, hiện đại trong thiết kế cũng như truyền tải được hàm ý thông điệp của hãng – song vẫn giữ được các đặc trưng thương hiệu từ màu sắc cho đến mặt chữ, khiến khách hàng không hề cảm thấy xa lạ. Mặt khác, sự thay đổi này cũng gây được tiếng vang, trở thành đề tài nóng hổi trong các cuộc trò chuyện của khách hàng – phần nào khiến thương hiệu Xiaomi càng gây được nhiều chú ý và trở nên nổi tiếng hơn nữa.
Kết luận
Khi bộ nhận diện thương hiệu đã không còn phù hợp với định vị cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp, việc thực hiện đánh bóng lại thương hiệu chính là điều tất yếu. Thông qua trường hợp của Xiaomi, ta có thể thấy rằng, một bộ nhận diện thương hiệu mới xuất hiện vào thời điểm này là vô cùng cần thiết, vừa để góp phần đánh bóng thương hiệu, vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên cần hiểu rằng, mấu chốt để có được một chiến lược đánh bóng thương hiệu thành công, chính là biết tạo ra cái mới, cái sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo không làm mất đi đặc trưng thương hiệu – thứ vốn đã gắn bó và hằn sâu trong tâm trí khách hàng từ lâu.
“Hãy nhớ rằng “đánh bóng” nghĩa là tạo ra một hình ảnh tươi mới hơn cho thương hiệu,
chứ không phải phá bỏ tất cả những gì đang có rồi xây dựng lại.”
Nguồn tham khảo: Doanh nhân Sài Gòn, CafeBiz, TechSign.in
Biên tập: Cát Tường