Branding vs. Marketing: Sự khác nhau và những thay đổi trong thời đại 4.0 — ECH Creative Agency

Branding vs. Marketing: Sự khác nhau và những thay đổi trong thời đại 4.0

Branding vs. Marketing: Sự khác nhau và những thay đổi trong thời đại 4.0

Branding vs. Marketing: Sự khác nhau và những thay đổi trong thời đại 4.0 2048 1385 ECH Creative Agency

Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh xã hội ngày nay, Branding và Marketing đang là những vấn đề nóng hổi trong câu chuyện kinh doanh. Để có thể mang lại thành công cho doanh nghiệp của mình, mà theo sau đó là doanh thu cao và bền vững, tất yếu mỗi doanh nghiệp đều cần quan tâm nghiên cứu và đầu tư nguồn lực cho Branding và Marketing. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa cũng như cách thức thực hiện hai công việc này.

“Branding hình thành trong tâm trí của khách hàng. Marketing xuất phát từ nỗ lực của doanh nghiệp.”

1. Sự khác nhau giữa Branding và Marketing

Để hiểu được vai trò của Branding và Marketing trong thời đại 4.0, trước hết cần biết được bản chất của chúng. Branding đề cập đến cách thức khách hàng nghĩ về doanh nghiệp và sản phẩm của họ. Làm branding chính là xây dựng chiến lược thương hiệu có tính lâu dài, nhằm định hướng cách khách hàng nhận định sao cho phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp. Ví dụ như, khi Apple cho ra mắt một sản phẩm mới, mặc dù chưa thật sự trải nghiệm sản phẩm đó, nhưng dựa vào các nhận định trước đây, khách hàng vẫn có thể nghĩ rằng sản phẩm tất nhiên là chất lượng cao và doanh nghiệp dĩ nhiên là đáng tin cậy. Trong khi đó, Marketing thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thấu hiểu và tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Xây dựng các kênh mạng xã hội, làm quảng cáo,… chính là cách để mang sản phẩm của doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng đồng thời thúc đẩy tiến trình mua hàng của họ. Có thể thấy, các chiến dịch Marketing chính là một phần trong tiến trình Branding có tính bao quát và xuyên suốt.

Cụ thể hơn, Branding và Marketing có thể được phân biệt dựa trên hai khía cạnh: mục đích và thời gian.

Về mục đích

Marketing nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng và Branding đóng vai trò giữ khách hàng ở lại

Khách hàng có thể sẽ chọn mua một chiếc điện thoại Samsung bởi vì sự tò mò, kích thích đối với một chiếc điện thoại cảm ứng đến từ Hàn Quốc thông qua các chiến dịch Marketing của hãng. Tuy nhiên điều quyết định khách hàng ở lại và mua sản phẩm của Samsung, chính là dựa vào Branding. 

Samsung đảm bảo khách hàng sẽ mua sản phẩm của mình thông qua việc branding về sự uy tín và tính thời thượng (Nguồn ảnh: Samsung Việt Nam)

Marketing hướng đến tạo ra doanh thu, trong khi Branding nhằm gia tăng độ nhận diện và tạo dựng lòng trung thành khách hàng

Rõ ràng mục tiêu của Marketing chính là bán được sản phẩm và tạo doanh thu trong ngắn hạn. Branding thì khác, thay vào đó hướng đến việc gia tăng độ nhận diện trong công chúng, cũng như xây dựng lòng trung thành để kéo khách hàng quay lại với doanh nghiệp. Dẫu vậy, Branding cũng nhằm để tạo doanh thu trong dài hạn, chỉ là theo cách gián tiếp hơn.

Về thời gian

Branding được ưu tiên thực hiện trước, sau đó đến các chiến lược Marketing

Thực tế đã cho thấy rằng, mọi nỗ lực Marketing đều khó có thể thành công nếu khách hàng hoàn toàn không biết hoặc có ít nhận thức về thương hiệu từ trước. Chỉ khi thương hiệu của doanh nghiệp đã sở hữu độ nhận diện nhất định trong công chúng, các chiến dịch Marketing cho sản phẩm của họ mới có khả năng đạt hiệu suất cao. Chính vì vậy, Branding luôn được ưu tiên thực hiện trước, tựa như công việc xây dựng nền móng cho tòa nhà, rồi mới đến Marketing – lớp sơn đầy màu sắc ấn tượng bên ngoài.

Một chiến lược Marketing sẽ có hạn định, nhưng Branding sẽ tồn tại vĩnh viễn 

BAEMIN – dịch vụ giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc sẽ là ví dụ điển hình nhất cho điều này. Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, BAEMIN đã thực hiện một số chiến dịch Marketing tạo tiếng vang trong cộng đồng khách hàng của họ: từ Quán Ngon Quận Mình với Trấn Thành, hay Thử Chút Healthy với Hana Giang Anh, Châu Bùi, Helly Tống và Emmi Hoàng. Mặc dù mỗi chiến dịch Marketing của BAEMIN đều có thời gian chỉ kéo dài trong vòng ba tháng, tuy nhiên BAEMIN đã thành công trong việc định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng: một thương hiệu trẻ trung, năng động, nhanh chóng, gần gũi. Và dấu ấn này sẽ tồn tại vĩnh viễn, cũng như sẽ là những liên tưởng trước nhất khi khách hàng tiếp xúc với BAEMIN sau này.

Quán Ngon Quận Mình cùng Trấn Thành và phép so sánh trong cách phụ nữ yêu mang đến cho khán giả một hình ảnh BAEMIN gần gũi qua thông điệp về những quán ăn vừa gần lại ngon (Nguồn ảnh: BAEMIN Vietnam)
Thử Chút Healthy với dàn KOLs trong lĩnh vực làm đẹp hình thể thổi luồng gió trẻ trung và hiện đại cho BAEMIN – một thương hiệu biết bắt kịp xu thế ăn “healthy” của giới trẻ ngày nay (Nguồn ảnh: BAEMIN Vietnam)

2. Branding và Marketing trong thời đại 4.0?

Thời đại kỹ thuật số lên ngôi, ắt hẳn thế giới kinh tế không thể đứng yên. Branding và Marketing cũng đồng thời tham gia vào dòng chảy thay đổi theo xu thế này.

Branding 4.0 là một con người có cảm xúc

Branding ngày nay đã không chỉ là một công cụ, mà thay vào đó đã được xem như con người, có cảm xúc, suy nghĩ và trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Bên cạnh những chiến lược kinh doanh và phát triển sản phẩm, thương hiệu còn cần tạo được dấu ấn trong tâm trí khách hàng bằng những câu chuyện cống hiến cho cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đơn cử như, Vinamilk đã tặng 40.000 ly sữa cho trẻ em nghèo ở 40 tỉnh thành trên cả nước. Mục tiêu của chiến dịch lúc bấy giờ không chỉ nhắm vào lợi nhuận mà còn góp phần hỗ trợ cho những trẻ em khó khăn, sinh sống tại các vùng hẻo lánh và không có điều kiện uống sữa thường xuyên. Ý tưởng này đã góp một phần to lớn vào việc định vị thương hiệu của Vinamilk trong lòng khách hàng: gần gũi, đáng tin cậy và có trách nhiệm với xã hội.

Chiến dịch tặng sữa cho trẻ em nghèo đầy nhân văn đã góp phần củng cố hình ảnh thương hiệu Vinamilk một cách tích cực trong lòng khách hàng (Nguồn ảnh: VietNamNet)

Marketing 4.0 dùng công nghệ số để tạo sự kết nối

Truyền thông nay đã trở thành cuộc hội thoại đến từ nhiều phía. Công nghệ thay đổi, mạng xã hội lên ngôi, việc tiếp cận thông tin càng dễ dàng và đa chiều, khách hàng được gia tăng khả năng chọn lựa việc tiếp nhận của mình. Giữa bối cảnh nhiều thách thức bởi sự phát triển của công nghệ số, Marketing 4.0 cần nhấn mạnh vào nội dung, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần sử dụng công nghệ số để làm nền tảng tạo ra sự gắn kết với các khách hàng của mình, để thúc đẩy khách hàng trên tiến trình mua sắm của họ theo đúng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

3. Kết luận

Branding và Marketing là những thành tố quan trọng làm nên sự thành công của kinh doanh, vì vậy doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý để hiểu rõ chúng. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới 4.0 hiện nay, tầm quan trọng của chúng càng được nâng lên, phần nào quyết định tính sống còn của doanh nghiệp. Hai yếu tố này bên cạnh những mặt khác biệt vẫn sở hữu mối quan hệ mật thiết: khách hàng sẽ không thể biết đến thương hiệu nếu không có Marketing, và họ cũng sẽ không đặt niềm tin vào thương hiệu lâu dài nếu không có Branding. Thiếu đi một trong hai yếu tố thì nỗ lực bán hàng cũng trở thành vô nghĩa. Vì vậy, doanh nghiệp cần kết hợp chúng một cách hợp lý để có thể phát triển hoạt động kinh doanh thật hiệu quả. 

“Bên cạnh những điểm khác biệt, Branding và Marketing sở hữu mối quan hệ mật thiết với nhau.”

Nguồn tham khảo: Marketing AI

Biên tập: Cát Tường