Đại dịch COVID-19 đã gây nên rất nhiều khó khăn cho thị trường kinh tế trong năm 2020, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp trong năm 2021. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt và chỉ một vài thương hiệu đủ lớn mạnh mới có thể bám trụ, các doanh nghiệp buộc phải nhận thức tình thế và nắm bắt các xu hướng trong thời kỳ mới để gia tăng hiệu quả hoạt động của mình.
Để đưa ra những quyết định thương hiệu tối ưu nhất, trước hết cần phân tích và hiểu rõ những thay đổi quan trọng trong hành vi của khách hàng và xu hướng tiếp thị. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể vạch rõ đường hướng tiếp thị để làm nổi bật lợi thế của mình.
1. Đại dịch toàn cầu đã làm thay đổi lối sống và thói quen chi tiêu của người tiêu dùng
Năm 2020 đã qua nhưng COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta – và điều đó sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng từ đó cũng bị ảnh hưởng.
Một trong những xu hướng nổi bật nhất của năm 2021 chính là duy trì làm mọi thứ tại nhà, nhằm đảm bảo hạn chế tiếp xúc và giãn cách xã hội. Do đó, mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Làm thế nào để thương hiệu của bạn đáp ứng sự thay đổi này?
Bạn có thể cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà và / hoặc chuyển sản phẩm của bạn sang hình thức trực tuyến. Ví dụ như, nếu doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh dịch vụ phòng tập thể dục, hãy cân nhắc đến việc cung cấp các lớp tập luyện trực tuyến hoặc phát triển một ứng dụng để giúp khách hàng có thể giữ dáng tại nhà. Hãy sáng tạo và đưa sản phẩm, dịch vụ của bạn trở thành một phần trong cuộc sống tại nhà của người tiêu dùng.
Bạn cũng cần thực hiện tối ưu hóa trang web để nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho khách hàng. Khi doanh nghiệp của bạn đáp ứng được các phương thức thanh toán phổ biến, giao hàng đúng giờ và chăm sóc khách hàng chu đáo, người tiêu dùng sẽ dễ dàng đến và ở lại với bạn.
2. Lòng trung thành của người tiêu dùng ngày càng giảm
Theo khảo sát của McKinsey’s COVID-19 US Consumer Pulse, trong giai đoạn COVID-19, tỷ lệ chuyển đổi nhãn hiệu của người tiêu dùng đã tăng đột biến so với trước đây: 36% người tiêu dùng dùng thử một thương hiệu mới, trong khi 25% kết hợp sử dụng thương hiệu mới với thương hiệu cũ. Trong số những người tiêu dùng đã thử các thương hiệu khác nhau, hơn một nửa có ý định tiếp tục sử dụng các thương hiệu mới này.
Để gia tăng lòng trung thành của người tiêu dùng, các thương hiệu cần phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng theo cách cá nhân hóa nhất có thể. Việc đáp ứng những kỳ vọng được cá nhân hóa đó bắt đầu bằng việc hiểu từng khách hàng như một cá nhân với những nhu cầu và sở thích riêng. Bằng cách này, các thương hiệu có thể thiết kế những trải nghiệm khiến người tiêu dùng cảm thấy thoải mái và được quan tâm khi mua sắm với doanh nghiệp.
Làm thế nào để thương hiệu của bạn đáp ứng sự thay đổi này?
Doanh nghiệp nên đầu tư vào thu thập dữ liệu khách hàng và lấy đó làm cơ sở phân tích để tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng. Bạn có thể sử dụng các công cụ theo dõi hành vi người tiêu dùng hoặc đơn giản là tạo các cuộc thăm dò ý kiến hoặc khảo sát trực tuyến để thu thập phản hồi của khách hàng. Từ những thông tin này, doanh nghiệp có thể xác định được cách để nắm giữ lòng trung thành của người tiêu dùng.
3. Tính bền vững trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các thương hiệu
Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, nhu cầu về tính bền vững ngày càng được phát triển. Người tiêu dùng giờ đây nhận thức rõ hơn về lý do tại sao họ mua hàng, họ mua hàng từ ai và sản phẩm họ mua được tạo ra như thế nào. Người tiêu dùng sẽ chú ý nhiều hơn đến những thương hiệu nhấn mạnh các giá trị này.
Hơn nữa, những người tiêu dùng có ý thức xã hội sẽ mong muốn các thương hiệu thể hiện trách nhiệm và sự minh bạch thông qua các hành động cụ thể. Nghiên cứu về thời trang bền vững cho thấy rằng việc tạo ra và truyền đạt các thuộc tính bền vững có hiệu ứng hào quang, ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng – đặc biệt là về chất lượng và giá trị – tại những thời điểm ra quyết định quan trọng.
Làm thế nào để thương hiệu của bạn đáp ứng sự thay đổi này?
Việc cung cấp thông tin chi tiết về nguồn nguyên liệu được sử dụng, quy trình sản xuất và những thông tin nào khác quan trọng đối với người tiêu dùng thân thiện với môi trường sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng ghi điểm. Bên cạnh đó, đảm bảo các nhân viên chăm sóc khách hàng có thể cung cấp câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi của người tiêu dùng cũng góp phần duy trì tính bền vững cho doanh nghiệp.
4. Minh bạch và xác thực chính là yếu tố quan trọng làm nên một chiến dịch tiếp thị thông minh
Dù cho COVID-19 gây ra nỗi sợ hãi kinh hoàng, không thể phủ nhận rằng sự đồng cảm giữa con người đã được thúc đẩy và lan tỏa trong bối cảnh dịch bệnh này. Không phân biệt dân tộc, màu da hay tôn giáo, tất cả mọi người đều đang chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau nhiều hơn. Cũng chính những người này sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với các thương hiệu đại diện cho các giá trị liên quan đến lòng tốt và sự quan tâm – và sẽ từ bỏ các thương hiệu thiếu tính nhân văn, minh bạch và xác thực.
Hãy nghĩ về những gì bạn đã làm để hỗ trợ khách hàng của mình trong thời kỳ khủng hoảng này. Bạn có thể làm gì khác để giảm bớt những thách thức mà cộng đồng của bạn đang phải đối mặt? Những mối quan tâm của đối tượng mục tiêu của bạn là gì? Làm thế nào bạn có thể khiến họ tin tưởng bạn nhiều hơn? Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn đưa ra các chiến lược phù hợp mà qua đó sẽ nhắc nhở mọi người rằng thương hiệu của bạn luôn đồng hành bên họ.
Làm thế nào để thương hiệu của bạn đáp ứng sự thay đổi này?
- Đảm bảo các chính sách về giao hàng, trả hàng, hoàn tiền, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện rõ ràng trên các kênh truyền thông.
- Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và tiếp thị qua email để đưa ra thông điệp trực tiếp, được cá nhân hóa để trấn an khách hàng rằng bạn đang ở đó, sẵn sàng cung cấp cho họ những điều tốt nhất.
- Tập trung vào việc chia sẻ những gì bạn đã làm để có thể giúp đỡ tình hình cộng đồng.
5. Không chỉ đối với các công cụ tìm kiếm, một chiến lược SEO thành công cũng cần tối ưu hóa trải nghiệm người dùng
Có hai điều quan trọng bạn cần ghi nhớ khi lên kế hoạch cho chiến lược SEO.
Đầu tiên là thực hiện SEO với người dùng và mục đích tìm kiếm của họ. Vì đã có quá nhiều thay đổi nhanh chóng vào năm 2020, nên điều quan trọng là phải xem xét và tìm hiểu thị trường mục tiêu của bạn cần gì, họ đang tìm kiếm gì ở bạn, cách họ tìm thấy bạn và liệu bạn có đang giúp họ vượt qua những thách thức hiện tại hay không.
Thứ hai, bạn cần làm cho Google hiển thị thương hiệu của bạn một cách cực kỳ dễ dàng và rõ ràng. Các thương hiệu cần làm rõ họ là ai, họ cung cấp những gì và họ phục vụ đối tượng nào.
Làm thế nào để thương hiệu của bạn đáp ứng sự thay đổi này?
Xem xét và tối ưu hóa toàn bộ sự hiện diện trực tuyến của thương hiệu, bao gồm cả trang web và các kênh truyền thông. Nghiên cứu cách để Google làm nổi bật các sản phẩm của bạn, kiểm tra đối thủ cạnh tranh của bạn để xem liệu họ có hoạt động tốt hơn bạn không và sau đó thực hiện các cải tiến cần thiết.
Thực hiện nghiên cứu từ khóa về những gì đối tượng mục tiêu của bạn đang tìm kiếm và sản xuất nội dung giúp giải quyết mối quan tâm của họ. Thay vì nói nhiều về thương hiệu và sản phẩm của bạn, hãy tập trung vào việc phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Kết luận
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hành vi và lòng trung thành của người tiêu dùng. Chính vì vậy, nếu muốn sống sót qua giai đoạn này, các thương hiệu nhất định không được bỏ qua việc phân tích và tìm kiếm hướng đi phù hợp cho tình hình hiện tại. Tham khảo các xu hướng tiếp thị phù hợp đã được đề cập ở trên cũng là cách để doanh nghiệp có thể trang bị tốt hơn cho hành trình tiếp thị sau dịch của mình.
Bạn không nhất thiết phải nắm bắt tất cả xu hướng. Điều quan trọng hơn cả chính là xác định thương hiệu bạn quan tâm đến điều gì nhất và tập trung vào đó. Từ đây, bạn có thể xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng một cách mạnh mẽ và dài lâu.
Nguồn: latana.com
Biên tập: Cát Tường