Nghệ thuật đặt tên thương hiệu — ECH Creative Agency

Nghệ thuật đặt tên thương hiệu

Nghệ thuật đặt tên thương hiệu

Nghệ thuật đặt tên thương hiệu 1880 1253 ECH Creative Agency

Cứ mỗi ngày trôi qua là một lượng lớn doanh nghiệp mới lại được ra đời. Điều này đồng nghĩa với việc, vô vàn tên thương hiệu mới cũng xuất hiện trên thị trường. Việc đặt tên thương hiệu đã trở thành một trong những yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp, giữ vai trò quyết định xem khách hàng có nhớ đến thương hiệu của mình hay không. Và để tạo ra một cái tên tối ưu, doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất cũng như những điểm cần lưu ý trong việc đặt tên thương hiệu.

“Đặt tên thương hiệu giống như chơi một bộ môn nghệ thuật, đòi hỏi chúng ta phải đủ khéo léo và thông minh để tạo ra một cái tên dễ nhớ cho khách hàng, đồng thời vẫn phản ánh được trọn vẹn bản sắc của doanh nghiệp.”

Khái niệm tên thương hiệu 

Tên thương hiệu được cấu thành bởi các chữ cái và âm tiết mà qua đó mô tả được sản phẩm, dịch vụ, và cá tính doanh nghiệp. Tên thương hiệu có thể là từ ghép hoặc từ được tạo mới mà chưa hề tồn tại trong từ điển trước đây.

Có thể nói, tên thương hiệu chính là “người đại diện” cho công ty khi giao tiếp với khách hàng cũng như đối tác mục tiêu của mình. Một cái tên thương hiệu chuyên nghiệp, thu hút có thể giúp công ty gia nhập thị trường một cách dễ dàng hơn. Một cái tên rõ ràng, có ý nghĩa cũng sẽ khiến khách hàng lưu tâm và ghi nhớ. Thông điệp thương hiệu cần được phản ánh thông qua tên thương hiệu, đồng thời truyền đạt được cảm xúc và giá trị của sản phẩm, dịch vụ.

Tên thương hiệu chính là “người đại diện” cho công ty khi giao tiếp với khách hàng cũng như đối tác mục tiêu của mình (Nguồn ảnh: The Eagle Eye)

Những nguyên tắc vàng trong việc đặt tên thương hiệu

Có thể bảo hộ 

Điều kiện tiên quyết và bắt buộc phải làm trong quy trình đặt tên thương hiệu đó chính là bảo hộ cho cái tên đó về mặt pháp lý để đảm bảo sẽ không bị nhái. Nếu doanh nghiệp không bảo hộ được tên thương hiệu thì dù nó có hay ho đến nhường nào, thực tế cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp.

Có sẵn tên miền 

Bởi đa phần tên miền đều được đặt theo tên thương hiệu, vì vậy nếu daonh nghiệp không thực hiện đăng ký tên miền thì nên cân nhắc phát triển tên khác thay vì cố chấp sử dụng một cái tên mà không thể đăng ký được tên miền.

Đơn giản, dễ nhớ

Trên thực tế, một nguyên lý đặt tên thương hiệu thường bị vi phạm rất nhiều chính là sự đơn giản. Dù là tên sử dụng tiếng nước ngoài hay tiếng Việt thì tốt nhất doanh nghiệp nên cố gắng đặt một cái tên dễ đọc, dễ nhớ thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với một cái tên tuy hoa mỹ nhưng khó đọc, khó nhớ.

Tránh liên tưởng và ý nghĩa không tốt

Năm 1991, hãng xe hơi Mazda đã cho ra mắt dòng sản phẩm tên là Laputa tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên trong tiếng bản địa, Puta có nghĩa là gái mại dâm. Doanh nghiệp nên tránh những cái tên có thể gây liên tưởng với những ý nghĩa không tốt nếu không muốn phải vướng vào những tình huống cực kỳ dở khóc dở cười như vậy.

Dòng sản phẩm mang tên Laputa vô tình gây liên tưởng tiêu cực ở Tây Ban Nha đã đẩy hãng xe hơi Mazda vào tình huống khó xử (Nguồn ảnh: Auto Cart)

Thể hiện được ngành nghề hoặc sản phẩm kinh doanh

Đôi khi, một cái tên thương hiệu thể hiện được ngành nghề và sản phẩm góp phần vào sự thành công kinh doanh, chẳng hạn như Vinamilk.

Vinamilk phản ánh rõ ràng loại sản phẩm mà doanh nghiệp kinh doanh là sữa (Nguồn ảnh: Công ty Cổ phần Dịch vụ Bồ Câu)

Thể hiện được sự khác biệt

Tên thương hiệu cần đảm bảo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Sự khác biệt trong tên gọi sẽ giúp khách hàng dễ dàng phân biệt giữa thương hiệu của doanh nghiệp và các thương hiệu cạnh tranh khác.

Đánh đúng phân khúc thị trường cũng như khách hàng mục tiêu

Doanh nghiệp từ đầu cần xác định rõ mục tiêu cũng như phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu của mình. Từ đó, trong  việc đặt tên thương hiệu, mức độ phức tạp của cái tên nên tùy thuộc vào đối tượng khách hàng. Ví dụ, đối với phân khúc bình dân, sự đơn giản, dễ nhớ nhất chính là yếu tố tiên quyết hàng đầu để bất kì người lao động, khách hàng phổ thông, ở nông thôn hay ở thành thị đều có thể đọc được.

Làm thế nào để đặt tên thương hiệu thật ấn tượng?

Ẩn dụ

Ẩn dụ là một phương pháp quen thuộc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, nhằm mục đích khơi gợi xúc cảm của người nghe. Chẳng hạn như, Apple dùng phép ẩn dụ về tri thức thông qua tên gọi của cây tri thức. Under Armour – có nghĩa là “bên trong áo giáp”, qua đó gợi lên niềm tin mãnh liệt. Hay Kayak – một loại xuồng, mang đến hình ảnh của chuyến phiêu lưu thời hiện đại.

Under Armour – có nghĩa là “bên trong áo giáp”, gợi lên niềm tin mãnh liệt cho khách hàng (Nguồn ảnh: Accueil)
Chiếc xuồng Kayak mang đến hình ảnh của chuyến phiêu lưu thời hiện đại (Nguồn ảnh: Jooinn)

Dựa vào cốt truyện

Cốt truyện đến từ quá khứ chính là gợi ý thú vị cho một cái tên thương hiệu hay. Innocent – thương hiệu sản xuất sinh tố đến từ nước Anh, đã áp dụng cách thức này. Lúc đầu, những người sáng lập rất phân vân liệu họ có nên từ bỏ công việc ở hiện tại để bán sinh tố hay không. Và thay vì tự quyết định, họ trao quyền quyết định vào tay người tiêu dùng. Ở quầy sinh tố của họ trong lễ hội âm nhạc, họ đã bố trí hai thùng rác cạnh nhau ghi chữ “Có” và “Không”, tượng trưng cho việc có nên từ bỏ công việc hiện nay để bán sinh tố hay không. Ý tưởng có phần hơi “đùa cợt”, tuy nhiên lại mang lại tác dụng lớn đối với người sáng lập thương hiệu.

Thương hiệu sinh tố innocent ra đời chính từ câu chuyện trong quá khứ của chủ doanh nghiệp (Nguồn ảnh: innocent Ireland)

Theo tên câu chuyện

Tiêu biểu cho phong cách này là Ajax, Nike, Hermes, Janus và Apollo – các doanh nghiệp lấy nguồn cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp. Các câu chuyện, các tựa sách từ xưa đến nay đều dễ dàng tiếp cận. Chúng là nguồn gợi ý tiềm năng cho những người đang tìm kiếm một cái tên ấn tượng cho thương hiệu của mình.

Hermes – lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp, là một trường hợp đặt tên thương hiệu vừa độc đáo vừa phản ánh được tính cách của doanh nghiệp (Nguồn ảnh: Accueil)

Kết luận

Đặt tên cho thương hiệu là một phần cực kỳ quan trọng trong giai đoạn thành lập doanh nghiệp. Mọi chiến lược kinh doanh hay hoạt động marketing dù có xuất sắc đến đâu cũng sẽ là vô ích nếu tên thương hiệu không thể dễ dàng ghi dấu trong tâm trí của khách hàng. Vì lẽ đó, doanh nghiệp cần nỗ lực để tạo ra một cái tên đủ chuyên nghiệp, thu hút khách hàng cũng như thể hiện được phong cách công ty. 

Nguồn tham khảo: Unica & Thiết kế Logo Sài Gòn

Biên tập: Cát Tường