Ngành F&B (Food and Beverage) đang là ngành kinh doanh vô cùng phát triển trong những năm trở lại đây. Đây cũng là ngành có thị trường người tiêu dùng vô cùng tiềm năng và là lựa chọn hàng đầu cho những bạn có niềm đam mê start-up. Có thể kể đến những cái tên thương hiệu F&B trong nước được nhiều người biết đến và ưa dùng như The Coffee House, Cộng, Golden Gate, Highlands, …
Đặc biệt thương hiệu The Coffee House dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh hơn nhiều so với các đối thủ ở lĩnh vực cà phê nhờ có sự am hiểu thị trường và quản trị tốt. Và tất nhiên không thể không kể đến công sức của người đã đưa The Coffee House trở thành 1 trong các thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất Việt Nam – Nhà sáng tập Nguyễn Hải Ninh.
Nguyễn Hải Ninh và cái duyên với “khởi nghiệp”
Nguyễn Hải Ninh sinh năm 1987, tốt nghiệp Khoa Hoá, Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM. Ngay khi vừa tốt nghiệp, anh đã ghi danh thành công vào “Chương trình quản trị viên tập sự” của Pepsico Việt Nam. Tại đây, Hải Ninh đã học được những kỹ năng quan trọng về thị trường và kinh doanh, làm bùng cháy niềm đam mê khao khát tạo ra đột phá. Anh muốn làm việc với tập thể, con người, cùng họ điều hành và phát triển một cái gì đó và mang lại giá trị hạnh phúc cho khách hàng. Chính vì vậy, anh quyết định rời khỏi Pepsico Việt Nam để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp.
Việc sáng lập 2 chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng Urban Station và The Coffee House đã giúp Nguyễn Hải Ninh lọt “Top 30 Under 30” Châu Á và “Top 30 Gương mặt trẻ dưới 30 nổi bật nhất Việt Nam” do Forbes Việt Nam bình chọn.
Con đường khởi nghiệp với 2 chuỗi cà phê nổi tiếng của Nguyễn Hải Ninh
Sau khi rời vị trí quản trị viên tập sự tại Pepsico Việt Nam, Nguyễn Hải Ninh cùng cộng sự Đinh Nhật Nam đã xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng Urban Station trị giá 6 triệu đô la tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
Urban Station thời điểm đó là chuỗi cà phê lớn trên thị trường Việt Nam và trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ với món đồ uống đá xay đặc trưng. Sau này, số lượng cửa hàng gia tăng nhanh chóng do phát triển theo mô hình nhượng quyền. Có thời điểm Urban Station ghi nhận tới hơn 60 cửa hàng trên toàn quốc với doanh thu trên 6 triệu USD/năm, vượt xa kỳ vọng của nhà sáng lập chỉ với 1 triệu USD.
Tuy nhiên, Hải Ninh đã chia tay vai trò đồng sáng lập Urban Station giữa lúc mô hình đang tăng trưởng tốt và quán vừa mở chi nhánh 28. “Ra đi để tìm lại chính mình” – Hải Ninh quyết định theo đuổi giấc mơ riêng với khi thành lập và phát triển The Coffee House với mô hình và phân khúc khách hàng khác hoàn toàn so với Urban Station.
Hải Ninh và niềm đam mê tạo ra sự khác biệt
Những ý tưởng xuất sắc muốn thành công sẽ đi kèm với các chiến lược phát triển rõ ràng, tài chính cân đối hợp lý, nhân sự chất lượng,… và quan trọng là người lãnh đạo không ngừng tự trau dồi các kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Một trong những lý do chính dẫn đến việc khởi nghiệp thất bại là do bản thân chưa có kinh nghiệm. Điều này sẽ dẫn đến những cản trở và rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Ngoài việc tự trau dồi kiến thức hàng ngày, chúng ta cũng nên gặp gỡ học hỏi và xây dựng các mối quan hệ với mentor – những người đi trước đã có kinh nghiệm khởi nghiệp, để chúng ta bước vào con đường khởi nghiệp với tâm thế sẵn sàng.
“Tại sao lại là cà phê? Sao không phải là cái gì đó khác” – khi bắt tay vào khởi nghiệp Hải Ninh luôn tự hỏi bản thân. Ngay cả khi đã tìm được đam mê muốn tạo ra sự khác biệt đột phá, Hải Ninh vẫn chưa thể xác định được “cái gì” đột phá, “cái gì” hợp với mình. Ngành F&B luôn là thị trường tiềm năng cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp và đa phần họ sẽ lựa chọn mở quán cà phê, đơn giản vì người dân Việt Nam thích đi cà phê. Hải Ninh không phải ngoại lệ, năm 23 tuổi anh mở quán cà phê vì anh thích thứ đồ uống này và muốn kiếm tiền. Tuy nhiên, sau sự thành công của Urban Station, Hải Ninh lại có suy nghĩ nghiêm túc hơn về mục tiêu trong cuộc đời của anh. Làm việc kiếm tiền không phải là mục đích sống, cũng không tạo ra động lực cho anh vì anh muốn làm cuộc đời mình có ý nghĩa hơn.
The Coffee House chính là bước ngoặt, là “sân chơi” lớn hơn nhiều so với Urban Station, nhưng đây lại là nơi mà anh thỏa sức làm những điều mà anh thực sự yêu thích – điều mà rất nhiều nhà khởi nghiệp trẻ muốn làm.
Tại sao là The Coffee House?
Hãy luôn sẵn sàng và chuẩn bị tâm lý rằng không phải doanh nghiệp start-up nào cũng thành công ngay lần đầu. Theo thống kê tại Việt Nam, có tới hơn 80% Startup không thể duy trì quá 2 năm và chỉ có 3% doanh nghiệp đạt tới thành công thực tế. Lý do chính dẫn đến việc khởi nghiệp thất bại do: không có người dẫn đường, thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn vốn,… Đối với Urban Station, Hải Ninh và các cộng sự đã phải đóng cửa quán đầu tiên vì mắc phải nhiều sai sót trong việc lựa chọn mặt bằng, phân khúc khách hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu,… Tuy nhiên, không để những sai sót này tồn tại lâu, Hải Ninh đã vực dậy lại thương hiệu này và có tốc độ phát triển ấn tượng.
Hải Ninh rời khỏi Urban Station với một đam mê lớn hơn là sẽ tự mình vận hành tất cả mọi thứ. Rõ ràng dù đã có kinh nghiệm ở Urban Station, nhưng để xây dựng và phát triển The Coffee House có mô hình và phân khúc thị trường, khách hàng mới, Nguyễn Hải Ninh đã gặp rất nhiều áp lực và khó khăn:
- Thoát khỏi cái bóng của chính mình sau Urban Station
- Toàn quyền đảm nhiệm các khâu từ vận hành, marketing cho đến quản trị, khác so với việc cân bằng quyền lợi với các nhà đầu tư trong mô hình nhượng quyền của Urban Station
- Cạnh tranh với nhiều thương hiệu “ông lớn” trên thị trường như Highlands, Starbucks, …
Sự khác biệt của “Ngôi nhà cà phê” đậm chất Hải Ninh
Ken Blanchard – tác giả của cuốn sách kinh điển The One Minute Manager (tạm dịch: Vị giám đốc 1 phút) đã từng nói: “Không một ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”. Tất cả mọi người trong ngành kinh doanh nói riêng và các ngành khác nói chung đều sẽ hiểu được quyền lực của tư duy sẻ chia là vô cùng to lớn.
Xã hội hiện nay đang có nhịp sống nhanh gấp, để sống hết khả năng của mình chúng ta không thể đi một mình. Mỗi người trong chúng ta đều chắc chắn nhận thức được rằng bản thân còn thiếu những kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực đang làm. Bạn có những trải nghiệm mà người khác không có và ngược lại. Kết hợp mọi người lại với nhau sẽ mang đến những suy nghĩ mới mẻ chưa từng có trước đây. Để tích lũy kinh nghiệm hoặc những kỹ năng mới, chúng ta luôn luôn có thể học hỏi từ những người đi trước.
Ngoài việc tìm được người cùng chí hướng và dẫn đường cho chúng ta, một doanh nghiệp start-up cần xác định được phân khúc khách hàng và thị trường mục tiêu. Điều này là thiết yếu và rất có lợi giúp cho doanh nghiệp nghiên cứu insight khách hàng hiệu quả, xây dựng và phát triển dịch vụ, sản phẩm của mình phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Thời điểm thành lập The Coffee House, Hải Ninh nhận định được rằng nếu anh đi một mình thì anh sẽ không bao giờ làm được. Anh đã được gặp và được truyền cảm hứng bởi Đinh Anh Huân (Nhà sáng lập quỹ đầu tư Seedcom – 1 trong 2 quỹ đầu tư của The Coffee House). Qua sự chia sẻ về những câu chuyện của anh Huân đã giúp Hải Ninh hiểu được ý nghĩa của cà phê. Cà phê không chỉ đơn giản là thứ đồ uống hay là câu nói cửa miệng trong những câu chuyện thường ngày. Mà đó chính là sợi dây liên kết mọi người với nhau, là khoảng thời gian những người bạn gặp gỡ nhau, tạm quên đi những áp lực của cuộc sống.
Ngoài ra, Hải Ninh đã có được sự giúp đỡ từ 2 quỹ đầu tư có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của The Coffee House. Các thành viên của các quỹ đầu tư đều là các thành viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, hỗ trợ cho Hải Ninh với kinh nghiệm mở rộng, quản lý chuỗi nhà hàng, marketing và truyền thông quảng cáo.
Kinh nghiệm, kỹ năng, thông tin Hải Ninh đều đã có, vấn đề còn lại để tạo nên sự thành công của The Coffee House chỉ còn nằm ở sự khác biệt giữa vô vàn các đối thủ cạnh tranh khác. Theo anh có 3 yếu tố khiến các quán cà phê thu hút khách hàng:
- Không gian quán: Đây chính là điểm mạnh lớn nhất của The Coffee House. Không gian thoáng, chỗ ngồi rộng, dịch vụ chu đáo và wifi mạnh. Khách hàng có thể làm việc, đọc sách hoặc tán gẫu với bạn bè.
- Thái độ phục vụ của nhân viên: Bản thân nhân viên của The Coffee House đều được hưởng chế độ lương và thưởng hấp dẫn, giúp họ cảm nhận được những thành quả mà họ đóng góp và phần nào khiến cho họ có động lực cống hiến cho công ty. Sự tinh tế và tỉ mỉ của đội ngũ The Coffee House qua “bàn tay” của Hải Ninh được thể hiện bằng sự chăm sóc tận tình của nhân viên từ phục vụ, thu ngân cho tới bảo vệ. Họ luôn chủ động quan sát các hoạt động và mong muốn của khách hàng để hỗ trợ kịp thời, khiến cho khách hàng cảm thấy được sự chân thành của The Coffee House.
- Tiện ích mà chuỗi cửa hàng cà phê mang lại: The Coffee House không chỉ phục vụ cà phê mà còn có thêm các lựa chọn đa dạng cho khách hàng có nhu cầu ăn sáng hoặc ăn trưa. Ngoài ra, The Coffee House không bao giờ có khái niệm “đuổi khách” khi khách ngồi lại lâu. Khách hàng thậm chí có thể ngồi gần 10 tiếng mà chẳng có nhân viên nào đến nhắc nhở.
“Ngôi nhà cà phê” đậm chất Hải Ninh đã đem đến những hiệu quả cực kì lớn với phương châm “lấy con người làm trung tâm”. Hải Ninh đã góp phần không nhỏ khi xây dựng một địa điểm thân thuộc với mọi người, là niềm vui của nhân viên, là sự hài lòng của khách hàng.
Thời điểm hiện tại, The Coffee House đã có gần 200 cửa hàng có mặt trên toàn quốc – chỉ đứng sau đối thủ Highlands Coffee. Tuy nhiên, đầu năm 2021 nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh chính thức không còn gắn bó với “Ngôi nhà cà phê” nữa. Có lẽ, đã đến lúc anh tìm cho mình một mục tiêu có nghĩa khác trong cuộc sống để tiếp tục thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ có niềm đam mê kinh doanh giống anh.
Biên tập: Dương Thủy