Sự thật đằng sau 5 lầm tưởng phổ biến về Branding — ECH Creative Agency

Sự thật đằng sau 5 lầm tưởng phổ biến về Branding

Sự thật đằng sau 5 lầm tưởng phổ biến về Branding

Sự thật đằng sau 5 lầm tưởng phổ biến về Branding 1880 1259 ECH Creative Agency

Thật không khó để bắt gặp các thông tin tràn lan trên khắp các phương tiện đại chúng, “bật mí” các phương pháp Branding chuẩn nhất hay việc bạn nên hoặc không nên làm để có một thương hiệu tốt hơn. Vì vậy, việc xác định được đâu là những thông tin chính xác và phương pháp nào thực sự sẽ phù hợp cho thương hiệu của bạn trở nên tương đối khó khăn giữa dòng thông tin đa dạng và có phần mâu thuẫn.

Để giúp bạn hiểu được đúng và đủ về Branding, trong bài viết dưới đây ECH sẽ đề cập đến 5 lầm tưởng phổ biến về Branding và giải mã sự thật đằng sau chúng.

Lầm tưởng #1: Cung cấp một sản phẩm hoàn hảo sẽ đảm bảo thành công cho công ty của bạn.

Sự thật là: Nếu không xây dựng thương hiệu, sản phẩm của bạn dù tốt đến đâu cũng sẽ không thể bán chạy. Bởi lẽ làm Branding chính là truyền tải những cảm xúc và ý tưởng đằng sau sản phẩm – vốn là những gì khiến cho sản phẩm của bạn trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

Để đảm bảo thương hiệu – sản phẩm luôn song hành và bổ trợ cho nhau, hãy chắc chắn rằng sản phẩm của bạn sở hữu những chiếc bao bì được thiết kế thông minh, hoặc được quảng bá thông qua một chiến dịch truyền thông xã hội hấp dẫn, mà qua đó thông điệp thương hiệu được truyền tải một cách mạch lạc, hiệu quả. Khi các yếu tố thương hiệu trực quan, nhất quán và hướng đến người tiêu dùng, sản phẩm của bạn sẽ trở nên dễ nhận biết và xây dựng cảm xúc tích cực hơn.

Nhãn hàng giấy vệ sinh Charmin là một ví dụ tuyệt vời để minh chứng cho việc một thương hiệu mạnh sẽ có tác động như thế nào đến cách khách hàng nhìn nhận và tiêu thụ sản phẩm. Giấy vệ sinh là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta (low-involvement product); và cũng vì thế, khách hàng không thực sự quan tâm đến sự khác biệt giữa các thương hiệu. Chính vì vậy, để trở nên nổi bật so với các thương hiệu khác, Charmin đã tạo ra một chiến dịch trên Twitter đầy vui nhộn với hashtag #tweetfromtheseat, kêu gọi người tiêu dùng đăng tải những câu chuyện hài hước, dở khóc dở cười hàng ngày mỗi khi sử dụng nhà vệ sinh. Nhờ đó, Charmin giúp khách hàng dễ dàng liên tưởng đến thương hiệu của họ và ghi nhớ vào lần tiếp theo chọn mua sản phẩm.

Thông qua chiến dịch #tweetfromtheseat, Charmin đã tạo được thiện cảm cũng như khiến khách hàng ghi nhớ về thương hiệu, từ đó thúc đẩy việc bán hàng (Nguồn ảnh: Swat.io)

Lầm tưởng #2: Branding chính là tên và logo của công ty.

Sự thật là: Tên và logo của công ty chỉ là hai thành tố nhỏ trong việc xây dựng thương hiệu.

Quan niệm sai lầm phổ biến nhất hiện nay, chính là cho rằng thương hiệu chỉ bao gồm tên và logo của công ty. Và từ đó, nhiều người nhận định rằng, chỉ cần đặt một cái tên hay ho, thiết kế một chiếc logo cuốn hút là đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu. Sự thật là, hai yếu tố này rất cần thiết trong việc xây dựng thương hiệu, nhưng chúng không đảm nhận toàn bộ vai trò đại diện cho thương hiệu của bạn. 

Branding chính là quản trị toàn bộ quá trình trải nghiệm thương hiệu với câu hỏi kim chỉ nam xuyên suốt: người tiêu dùng cảm thấy thế nào về doanh nghiệp của bạn? Thương hiệu là một tập hợp tất cả các điểm tiếp xúc giữa doanh nghiệp và khách hàng mà qua đó khiến khách hàng nhớ đến và khơi dậy cảm xúc tích cực với doanh nghiệp. Tên và logo công ty chỉ là một trong những điểm tiếp xúc đó.

Lầm tưởng #3: Một thương hiệu muốn thành công đều phải duy trì sự nhất quán từ đầu đến cuối.

Sự thật là: Ngày nay, tính nhất quán của thương hiệu đã trở nên ít quan trọng hơn nhiều so với trước đây. Thay vào đó, tính linh hoạt được xem là “tính nhất quán mới”, có nghĩa là các thương hiệu hiện đại phải duy trì được những yếu tố cốt lõi trong khi điều chỉnh hình thức sao cho phù hợp trong các bối cảnh khác nhau.

Các thương hiệu luôn đưa ra thông điệp và hình thức giống hệt nhau ở tất cả các điểm tiếp xúc với khách hàng đôi khi sẽ không thu hút được khách hàng hiệu quả bằng các thương hiệu linh hoạt hơn.

Một ví dụ về sự thành công trong chiến dịch xây dựng thương hiệu linh hoạt là Oreo’s Daily Twist. Để kỷ niệm 100 năm thành lập, thương hiệu bánh quy cổ điển đã kỷ niệm 100 ngày của các cột mốc quan trọng như “Tuần lễ Elvis” và “Ngày bánh pho mát quốc gia”.

Mỗi ngày, thương hiệu sẽ đăng tải những cách diễn giải khác nhau đầy sáng tạo về một chiếc bánh quy Oreo phù hợp với chủ đề kỉ niệm tương ứng. Sau khi Oreo khởi động chiến dịch này, nhận thức của khách hàng về thương hiệu của Oreo cũng như sự mong chờ vào sản phẩm mới của hãng đã tăng lên gấp mười lần.

Mỗi ngày chiếc bánh Oreo lại được khoác lên mình một hình dạng với một ý nghĩa khác nhau, và điều này đã khiến chiến dịch Oreo’s Daily Twist ghi dấu ấn mạnh mẽ và kích thích sự tò mò của khách hàng (Nguồn ảnh: PR Spot)

Lầm tưởng #4: Branding và Marketing đều giống nhau.

Sự thật là: Branding được hình thành ở tâm trí của khách hàng, trong khi Marketing đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp.

Branding chính là cách khách hàng nghĩ về doanh nghiệp cũng như sản phẩm của họ. Và làm Branding nghĩa là xây dựng một chiến lược thương hiệu lâu dài, mà thông qua đó đáp ứng mục tiêu định hướng cách nhận định của khách hàng phù hợp với những gì mà doanh nghiệp mong muốn. Trong khi đó, Marketing chính là nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc làm quảng cáo, xây dựng các kênh mạng xã hội,… sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tốt hơn, cũng như thúc đẩy ý định mua hàng của họ. Từ đó có thể thấy, các chiến dịch Marketing là một phần trong cả tiến trình Branding có tính xuyên suốt và bao quát.

Tuy nhiên, bên cạnh những khác biệt, hai công việc này cũng có mối quan hệ mật thiết: khách hàng không thể biết đến thương hiệu nếu không có sự tác động của Marketing, và họ cũng sẽ không thể gây dựng cảm xúc cũng như đặt niềm tin vào thương hiệu lâu dài nếu không có tiến trình Branding. Việc thiếu đi một trong hai công việc trên sẽ khiến cho quá trình bán hàng vô cùng khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp của bạn cần kết hợp chúng thật hợp lý để mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.

Xem thêm về sự khác biệt giữa Branding và Marketing tại đây.

Lầm tưởng #5: Xây dựng thương hiệu là một việc làm vô cùng tốn kém

Sự thật là: Xây dựng thương hiệu chính là tìm hiểu khách hàng của bạn, xem họ thích cái gì và bắt đầu cung cấp giá trị cho họ. Việc này có thể tốn kém nhiều chi phí hoặc không, tùy theo cách thức thực hiện của mỗi doanh nghiệp.

Bạn có thể cân nhắc sử dụng Instagram, Twitter, Facebook,…. Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời bởi chúng mang đến cho bạn cơ hội kết nối với khán giả và cung cấp thông tin hữu ích đến họ một cách miễn phí. Doanh nghiệp có thể chia sẻ về câu chuyện, góc nhìn của mình, và lắng nghe những tâm sự, nhu cầu của khách hàng. Những chiến thuật thông qua mạng xã hội sẽ cho phép bạn tạo nhận thức về thương hiệu với nhóm đối tượng khách hàng mà bạn đang hướng đến.

Airbnb là một thương hiệu sử dụng thành công phương tiện truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức về thương hiệu và quảng cáo một cách tinh tế. Trên Instagram, thương hiệu du lịch nổi tiếng đăng ảnh các phòng nghỉ ở những địa điểm mới lạ và hấp dẫn. Mỗi bức ảnh bao gồm một câu chuyện về điểm đến đó cùng với hướng dẫn về cách truy cập trang Airbnb để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan. Bằng cách ghi lại câu chuyện về những trải nghiệm thực tế mà khách hàng có thể cảm nhận, doanh nghiệp đã thành công trong việc kích thích sự ham muốn của khách hàng, từ đó thúc đẩy họ tiến hành quá trình đặt tour.

Bằng cách ghi lại câu chuyện về những trải nghiệm thực tế mà khách hàng có thể cảm nhận thông qua các bài post trên Instagram, Airbnb đã thành công trong việc kích thích sự ham muốn của khách hàng, từ đó thúc đẩy họ tiến hành quá trình đặt tour. (Nguồn ảnh: Business 2 Community)

Kết luận

Bất kể doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ, làm Branding là công việc cần thiết để đảm bảo kinh doanh thành công. Từ những sự thật đã được giải mã trên đây, ECH hy vọng đã mang lại những cái nhìn chuẩn xác hơn về công việc xây dựng thương hiệu. Đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi trong việc hướng tới một chiến lược xây dựng thương hiệu vững chắc cho thương hiệu của bạn. Để tìm hiểu thêm về xây dựng thương  hiệu và các vấn đề liên quan, hãy truy cập  https://agency.echcreative.com/blog/.  

Nguồn tham khảo: Brandfolder, Ilfusion Creative
Biên tập: Cát Tường