Tất tần tật về cách ứng dụng bảng màu trong thiết kế nhận diện thương hiệu — ECH Creative Agency

Tất tần tật về cách ứng dụng bảng màu trong thiết kế nhận diện thương hiệu

Tất tần tật về cách ứng dụng bảng màu trong thiết kế nhận diện thương hiệu

Tất tần tật về cách ứng dụng bảng màu trong thiết kế nhận diện thương hiệu 1880 1253 ECH Creative Agency

Thông thường, hình ảnh nhận diện của một thương hiệu sẽ bao gồm từ ngữ, chữ số, biểu tượng, hình vẽ,… Trong số đó, tín hiệu gây ấn tượng mạnh mẽ và khiến chúng ta ghi nhớ rõ ràng nhất chính là màu sắc. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng, màu sắc có thể làm tăng độ nhận diện thương hiệu lên đến 80%. Màu sắc có giá trị tác động đến cả cảm xúc và cả trong thực tiễn. Ở khía cạnh cảm xúc, màu sắc có thể tác động lên cảm nhận của khách hàng mỗi khi họ nhìn thấy thương hiệu. Ở khía cạnh thực tiễn, màu sắc đóng vai trò giúp cho thương hiệu trở nên nổi bật giữa đám đông.

Vậy làm thế nào để có thể lựa chọn được màu sắc phù hợp nhất với thương hiệu của mình? Hãy cùng ECH xem xét về cách ứng dụng bảng màu trong thiết kế nhận diện thương hiệu như dưới đây nhé.

Màu Đỏ – Đam mê, năng lượng, kích thích, nguy hiểm

Màu đỏ luôn mang đến sự nổi bật rõ rệt và đặc biệt dễ dàng nhận thấy. Màu đỏ có khả năng làm gia tăng mong muốn cho người xem. Đây là sắc màu tượng trưng cho máu, lửa, sự nguy hiểm, hay tình yêu và niềm đam mê. Với sắc tố tươi và đậm vốn có, màu đỏ được xem là có ý nghĩa biểu trưng cho năng lượng, sức mạnh và sự tự tin.

Với một sắc màu mang ý nghĩa táo bạo và mạnh mẽ đến như vậy, các nhà làm thương hiệu nên đặc biệt thận trọng khi sử dụng chúng. Dù vậy, ở một cách tiếp cận khác, giữa những thương hiệu đang cố tình né tránh màu đỏ, việc bạn lựa chọn màu sắc này lại có thể trở thành một quyết định thông minh giúp bạn trở nên nổi bật hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. 

Màu đỏ có thể mang lại một vẻ ngoài đầy đam mê, nhiệt huyết, kích thích và thậm chí là nguy hiểm cho thương hiệu của bạn (Nguồn ảnh: OEDIPE)

Màu Cam – Sáng tạo, tươi trẻ, mạo hiểm

Là một gam màu ở giữa đỏ và vàng, màu cam thường truyền tải năng lượng tích cực. Một điểm thú vị chính là màu cam có cùng sắc màu với trái cam, và những sản phẩm đến từ trái cam đều chứa đầy vitamin C, chính vì vậy khiến màu cam càng trở nên tươi mới mang lại cảm giác tác động tích cực đến sức khỏe. Có thể nói, màu cam chính là sự kết hợp hoàn hảo của sự sáng tạo, sức trẻ và có phần mạo hiểm.

Gắn liền với niềm vui cũng như sự sống động, màu cam rất phù hợp với những thương hiệu có tính cách trẻ trung, tràn đầy năng lượng. Vì vậy các thương hiệu sang trọng, truyền thống, nghiêm túc nên hạn chế sử dụng gam màu này.

Màu cam thích hợp cho những thương hiệu hướng đến sự sáng tạo, sức trẻ và có phần mạo hiểm (Nguồn ảnh: iShareArena)

Màu Vàng – Vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc

Là màu sắc của ánh nắng mặt trời, màu vàng tỏa ra luồng cảm xúc rạng rỡ, tích cực. Đây là một trong những sắc màu dễ được nhận thấy nhất từ xa và đồng thời, truyền tải niềm vui và nguồn năng lượng căng đầy. Mặt khác, màu vàng cũng được sử dụng để tượng trưng cho cảnh báo trong các khu vực nguy hiểm hay hàng rào cảnh sát.

Đôi khi một số sắc thái của màu vàng tạo cảm giác hơi quê mùa. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng nghiên cứu phản ứng của người tiêu dùng được thực hiện nghiêm túc, để qua đó xác định được chắc chắn sắc thái màu phù hợp với sản phẩm của bạn, cũng như đầu tư kĩ lưỡng vào mảng thiết kế để có thể tránh bất kì cảm giác rẻ tiền nào.

Vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc – những cung bậc cảm xúc mà màu vàng có thể mang lại cho khách hàng (Nguồn ảnh: Gusto Design)

Màu Xanh lá cây – Sức sống, thiên nhiên, uy tín, giàu có

Màu xanh lá cây biểu trưng cho hai kiểu ý nghĩa vừa phổ biến lại vừa nghịch lý: một là thiên nhiên, môi trường, và hai là tài chính, tài sản. Nhắc đến khía cạnh thiên nhiên, màu xanh lá cây tượng trưng cho sự sống cũng như sự lớn lên của cây cối, qua đó phản ánh ý nghĩa về môi trường, hữu cơ, bền vững. Xanh lá cây cũng là sắc màu của đồng tiền, biểu trưng cho sự giàu có và ổn định về tài chính.

Khi ứng dụng màu xanh lá cây vào thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, cần cẩn trọng trong việc chọn sắc thái cho màu. Sắc xanh sáng hơn biểu hiện cho sức sống, sự tăng trưởng và đổi mới. Trong khi đó, sắc xanh tối hơn đại diện cho sự giàu có, trù phú và uy tín.  

Màu xanh lá cây biểu trưng cho hai kiểu ý nghĩa vừa phổ biến lại vừa nghịch lý: một là thiên nhiên, môi trường, và hai là tài chính, tài sản (Nguồn ảnh: BP&O)

Màu Xanh da trời – Điềm tĩnh, đáng tin cậy, và phiền muộn

Có thể nói xanh da trời là màu sắc được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất bởi tính chất linh hoạt về mặt ý nghĩa của nó. Màu xanh da trời sẽ phù hợp với những thương hiệu muốn truyền đạt sự tin cậy, ổn định và tính chất liên lạc (như Facebook, Twitter và Samsung). Sắc màu này cũng mang lại cảm giác hài hòa và dịu dàng khi kết nối với bầu trời và biển cả. Và đôi khi, màu xanh da trời cũng được sử dụng để đặc tả nỗi buồn.

Đây là sắc màu hiếm hoi thể hiện được đa dạng các ý nghĩa, từ sự cộng tác và cảm giác đáng tin cậy, đến hài hòa, êm đềm và cả buồn chán. Vì vậy, tương tự như màu xanh lá cây, thương hiệu của bạn cần biết cách lựa chọn sắc thái màu thật khôn ngoan. Hoặc, bạn cũng có thể tránh luôn việc sử dụng màu sắc này, nếu nó đã trở nên quá phổ biến giữa các doanh nghiệp trong cùng phân khúc với bạn.

Xanh da trời là hiếm hoi thể hiện được đa dạng các ý nghĩa, từ sự cộng tác và cảm giác đáng tin cậy, đến hài hòa, êm đềm và cả buồn chán (Nguồn ảnh: BP&O)

Màu Tím – Thiêng liêng, bí ẩn, quý phái

Màu tím mang trên mình nét bí ẩn, quý phái, sang trọng. Sắc tím đậm thường biểu trưng cho sự xa xỉ, giàu có trong khi sắc tím nhạt của hoa oải hương mang lại cảm giác khá dịu dàng và nữ tính, kết hợp một chút cảm xúc hoài cổ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, màu tím luôn có thể thu hút và là sự lựa chọn hàng đầu đối với phụ nữ. Nhìn chung thì, so với các sắc màu khác, màu tím không phải được sử dụng phổ biến trong thiết kế thương hiệu. Dù vậy, trên thực tế, Cadbury – thương hiệu sử dụng màu tím làm màu chủ đạo – góp mặt trong danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất năm 2014 của Forbes.

Màu tím có thể mang lại cảm giác bí ẩn nhưng không kém phần quý phái và sang trọng cho hình ảnh thương hiệu (Nguồn ảnh: Bilde)

Màu Nâu – Hữu cơ, chân thực, đơn điệu

Màu nâu thường được sử dụng nhiều trong các dự án về phân hữu cơ, thức ăn tự nhiên cũng như sản phẩm làm đẹp. Bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, màu nâu biểu trưng cho sức khỏe cũng như sự gọn gàng, ngăn nắp. Nếu tinh tế kết hợp màu nâu với những màu sắc khác có thể càng giúp cho thương hiệu của bạn trở nên nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ hơn.

Lưu ý khi sử dụng màu nâu cho thiết kế nhận diện thương hiệu chính là không khiến khách hàng cảm thấy “dơ bẩn”. Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn kinh doanh đất, sỏi, đá thì màu nâu lại rất phù hợp để quảng bá thương hiệu.

Màu nâu thường được sử dụng nhiều trong các dự án về phân hữu cơ, thức ăn tự nhiên cũng như sản phẩm làm đẹp (Nguồn ảnh: Mucho)

Màu Hồng – Lãng mạn, nữ tính, ủy mị

Nếu nhắc đến một màu sắc dành cho phái nữ, thì màu hồng sẽ được gọi tên đầu tiên. Sắc hồng mang trên mình sự nữ tính, dịu dàng, thùy mị, có phần lãng mạn. Cũng như các màu sắc khác, màu hồng cũng có nhiều sắc độ mang những ý nghĩa khác nhau. Màu hồng nhạt thường được dành cho những bé gái và cô gái trẻ, thể hiện sự ngọt ngào và lãng mạn, trong khi hồng ngả đỏ biểu trưng cho sự quyến rũ. Bên cạnh đó, màu hồng tươi lại mang đến cảm giác tươi trẻ, tràn đầy năng lượng, vui vẻ và hứng thú. 

Đừng ngại khi sử dụng màu hồng cho thương hiệu của bạn, bởi khi đó bạn sẽ dễ dàng nhắm đến từng đối tượng khách hàng cá nhân nói riêng hơn là toàn bộ khách hàng nói chung. Nếu doanh nghiệp của bạn phục vụ các sản phẩm có tính nữ, tại sao không chọn màu hồng để dễ dàng kết nối cảm xúc của khách hàng với thương hiệu của bạn?

Bằng cách sử dụng màu hồng, bạn có thể làm nổi bật sự nữ tính, thùy mị và có phần lãng mạn cho thương hiệu của bạn (Nguồn ảnh: DrWellnest)

Màu Đen – Trang trọng, tinh vi, lộng lẫy, nỗi sầu

Không cần phải bàn cãi, màu đen chính là một trong các màu sắc có khả năng thu hút tốt nhất. Nếu biết cách ứng dụng màu đen vào thiết kế một cách thích hợp, bạn có thể tạo ra sự khác biệt, làm dễ nhớ và nổi bật tính cách thương hiệu của bạn. Cần cân nhắc các hoạ tiết, hoa văn để phù hợp với màu đen trong thương hiệu của bạn.   

Đối lập với những gam màu tươi sáng, màu đen thường được sử dụng cho các vật liệu kim loại hoặc kết hợp với màu trắng với bố cục thiết kế đơn giản. Đồng thời hãy chú ý nghiên cứu các hoạ tiết, hoa văn để có thể phản ánh được đúng thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.

Nếu biết cách ứng dụng màu đen vào thiết kế một cách thích hợp, bạn có thể tạo ra sự khác biệt, làm dễ nhớ và nổi bật tính cách thương hiệu của bạn (Nguồn ảnh: Benjamin Gallagher)

Màu Trắng – Tối giản, tinh khiết, giản dị

Màu trắng thể hiện sự tinh khôi, giản dị và đôi khi là hoàn hảo. Màu trắng có thể truyền tải một thông điệp về sự hoàn hảo, tuyệt đối cho thương hiệu của bạn, chẳng hạn như Apple – với màu trắng tượng trưng cho sự tinh giản cả về hình thức lẫn chức năng của sản phẩm. Các thiết kế màu trắng thường có tính hiện đại, theo đuổi phong cách tối giản.

Khi sử dụng màu trắng, một nhược điểm chính là khiến cho khách hàng khá khó nhận ra thương hiệu của bạn. Hãy chắc chắn rằng sắc trắng của thương hiệu bạn vẫn đảm bảo điểm nhấn để có thể tạo được ấn tượng sâu sắc với khách hàng.

Hãy chắc chắn rằng sắc trắng của thương hiệu bạn vẫn đảm bảo điểm nhấn để có thể tạo được ấn tượng sâu sắc với khách hàng (Nguồn ảnh: BP&O)

Kết luận

Chọn đúng màu sắc cho thương hiệu của bạn là một việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, bởi một khi bạn đưa ra quyết định không phù hợp, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu và hiệu quả kinh doanh của cả doanh nghiệp. Chính vì vậy, một cuộc nghiên cứu để tìm ra được màu sắc phản ánh tốt nhất tính cách thương hiệu là vô cùng cần thiết. Bạn có thể bắt đầu với những câu hỏi về từ khoá dành cho thương hiệu; màu sắc nào liên quan đến từ khoá đó; màu phù hợp với đặc điểm của sản phẩm / dịch vụ và màu mà đối thủ của bạn sử dụng. 

ECH tin rằng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về màu sắc trong tính cách thương hiệu. Bạn có thể đọc thêm về các lý thuyết màu sắc cơ bản trong thiết kế đồ họa tại đây.

Nguồn tham khảo: RGB
Biên tập: Cát Tường